Các khu dân cư tự phát ở tỉnh Bình Dương không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn làm xấu đi diện mạo đô thị
Ở TP Tân Uyên, theo ghi nhận có khoảng 100 khu nhà ở tự phát có từ trước năm 2014, diện tích mỗi khu phân lô tự phát rộng từ 3 đến 6 ha. Đến nay, hầu hết các khu phân lô đã được xây dựng nhà và nhiều hộ dân đang sinh sống ổn định. Điểm đáng chú ý là các khu dân cư (KDC) tự phát được xây dựng trên đất nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, thoát nước, đường giao thông, chiếu sáng không có hoặc có nhưng chưa bảo đảm quy định.
Khu dân cư "3 không"
Ghi nhận tại một KDC tự phát ở đường Tô Hoài, khu phố Ông Đồng, phường Tân Hiệp, TP Tân Uyên, người dân ở đây thường gọi là "xóm Sình" hoặc là KDC cô Tuyết (xuất phát từ tên của người phụ nữ là chủ đầu tư của KDC này - PV), từ con đường trục chính rộng khoảng 6 m, dài 500 m dẫn vào KDC với cảnh sình lầy, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu, người đi không quen dễ bị sụp hố.
Nói là KDC nhưng thực chất là một lô đất lớn, được xẻ làm đôi rồi hình thành 1 con đường ở giữa rộng chừng 5 m, hai bên được phân thành các nền có chiều ngang 5 m, sâu từ 20-25 m, hiện người dân đã ở lấp đầy 2 bên.
Người dân khổ sở mỗi lần di chuyển qua con đường dẫn vào KDC xóm Sình
Anh B.X.H (39 tuổi, quê Hà Nam) cho biết từ năm 2010 anh mua 1 nền đất ở đây với giá hơn 50 triệu đồng. Hơn 13 năm sinh sống tại đây, anh H. chỉ biết lắc đầu ngao ngán về cảnh sống tạm bợ tại KDC "3 không" (Không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - không điện - không sổ hộ khẩu). Theo anh H., nguyên do đây là KDC tự phát, xây nhà trên đất nông nghiệp.
"Thời điểm mới về ở chúng tôi không có điện để dùng, sau này xin kéo điện nhờ từ mấy gia đình có sổ đất nằm phía ngoài, thường 7-8 hộ chung 1 đồng hồ điện. Tuy nhiên, những khó khăn trên có thể khắc phục được nhưng ở đây khổ nhất là con đường đi lại, nắng thì bụi bay mù mịt, mưa lại sình lầy, bà con ở đây ai cũng mong chính quyền cho phép làm đường, họ sẵn sàng bỏ tiền túi. Thế nhưng, đã mười mấy năm trôi qua sự việc vẫn giậm chân tại chỗ, dù nhiều lần tiếp xúc cử tri ai cũng lên tiếng" - anh H. thở dài.
Tương tự, gia đình bà N.T.H (66 tuổi, quê Thanh Hóa) sinh sống ở xóm Sình này được hơn 13 năm, chia sẻ do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên những lúc gia đình gặp khó khăn không thể đi vay được ngân hàng dù có nhà để thế chấp. Ngoài ra, người dân sống ở đây không có quyền lợi gì hết, kể cả muốn sinh hoạt với địa phương cũng dè dặt hơn. Chính vì vậy, khi nghe thông tin KDC tự phát này sắp được "khai tử" để cấp sổ đất cho các hộ dân, ai cũng mừng và đồng thuận cao để địa phương làm những thủ tục cần thiết.
"Trước mắt tôi cũng như các hộ dân ở đây đã đóng mỗi hộ 3,2 triệu đồng để cơ quan chức năng làm bản vẽ. Khi được chấp thuận thì các hộ sẽ đóng thêm một số khoản khác như tiền ra sổ; hệ thống điện - nước… Nghe đâu mất hơn 100 triệu nữa nhưng chúng tôi vẫn vui vì được công nhận là công dân của phường" - bà H phấn khởi.
Sẽ thí điểm chỉnh trang đô thị
Nói về KDC xóm Sình, ông Ngô Văn Tô, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp, cho biết đây là 1 trong 2 KDC tự phát được TP Tân Uyên chọn thí điểm cấp sổ cho người dân. Theo ông Tô, hiện KDC xóm Sình có khoảng 200 hộ dân, UBND TP Tân Uyên đã chỉ đạo địa phương phải làm các bước như đo lại diện tích của từng nền, thiết kế hệ thống thoát nước, chiếu sáng… "Về cơ bản thì các hộ dân ở KDC này đều rất đồng thuận và địa phương đang làm hồ sơ xin chủ trương của thành phố" - ông Tô nói. Đối với con đường phía trước xuống cấp mà người dân phản ánh, phường đang có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, trước mắt là đầu tư hệ thống thoát nước.
Theo ông Tô, trên địa bàn hiện còn 13 KDC tự phát, địa phương đang rà soát tất cả để báo cáo lên UBND cấp trên. Tuy nhiên, theo quy định của TP Tân Uyên, những KDC tự phát đủ điều kiện cấp sổ phải đáp ứng các tiêu chí như bảo đảm quy hoạch đất ở; đường từ 4 m trở lên…
Đăng thảo luận