(NLĐO) - Một trong những trọng tâm, đột phá trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 giúp Bình Dương tạo được đột phá về lý luận phát triển, khơi thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm nhằm phục vụ cho việc xác lập mô hình mới, tạo động lực và nền tảng cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong khoảng ba thập kỷ tới.
Một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia
Theo quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điểm nhấn đặc biệt của Bình Dương
Ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hải cho biết bản thân ông đã sống và làm việc tại Bình Dương gần 20 năm nay và nhận thấy tỉnh đang có lợi thế rất lớn trong vùng Đông Nam Bộ. Đó là toàn bộ hạ tầng đường vành đai, hành lang logistics quan trọng đều đi qua Bình Dương. Tỉnh đã biết cách đưa thế mạnh của vùng thành thế mạnh của mình, hệ thống giao thông của tỉnh đang dẫn đầu khu vực, tạo động lực về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số. Do đó, bản quy hoạch này là thành quả của một quá trình lâu dài, nó thể hiện được mong muốn vượt lên chính mình của Bình Dương, không chỉ đóng góp cho tỉnh mà còn đóng góp cho cả vùng.
Với bản quy hoạch này, việc sử dụng không gian cho phát triển cũng được tỉnh tính toán rất rõ ràng bằng cách xác định trục kinh tế chính, hành lang kinh tế chủ đạo, chia ra những không gian động lực phát triển như phía Nam làm gì, di dời công nghiệp ra sao, tái tổ chức đô thị, thay đổi phương thức đi lại của người dân hay là phát triển theo mô hình đô thị TOD, đến việc chuẩn bị quỹ đất ở phía Bắc để tiếp nhận doanh nghiệp di dời, cũng như biến khu vực động lực thứ 2 là TP Thủ Dầu Một thành trung tâm cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
T.S Hoàng Văn Tuấn, Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương, cho rằng để hiện thực hoá được các mục tiêu trong quy hoạch, tỉnh Bình Dương cần quan tâm đặc biệt đến đẩy mạnh liên kết vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận, trên cơ sở đó, chia sẻ và khai thác tối đa thế mạnh của nhau, đồng thời khắc phục tốt những khó khăn và thách thức.
Hướng đến cân bằng tỉ trọng "Công nghiệp - Dịch vụ"
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, quy hoạch tỉnh lần này đã có những giải pháp rất tốt và chắc chắn tỉ trọng công nghiệp của tỉnh sẽ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong giai đoạn tới. Hiện nay, Becamex IDC đang phối hợp Ngân hàng thế giới, các tổ chức khác để tiếp tục xây dựng hệ sinh thái này, thu hút nguồn lực mới, đặc biệt là phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng.
Phố đi bộ Bạch Đằng (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) dọc sông Sài Gòn tạo động lực phát triển du lịch và dịch vụ
Tuy nhiên, thời gian tới Bình Dương cũng phải tăng tốc dịch vụ, bởi dịch vụ - đô thị sẽ khai thác những dư địa mới để tạo sự dịch chuyển. "Đây là bài toán khó nhưng tôi tin tưởng thế hệ trẻ tiếp theo sẽ thông minh hơn, quyết liệt hơn, táo bạo hơn để thực hiện tốt bản quy hoạch trong thời gian tới"- ông Hùng tin tưởng.
T.S Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tin tưởng Bình Dương hoàn toàn có lợi thế phát triển dịch vụ. Theo ông Cung, tỉnh không chỉ phát triển dịch vụ thương mại chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực và mô hình khu phức hợp quy mô lớn... mà có thể phát triển dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học, công nghệ và nghiên cứu phát triển, dịch vụ tài chính... cho toàn vùng và cả các vùng, miền khác cho cả nước và xuất khẩu.
Tương tự, đối với các loại dịch vụ vui chơi giải trí gắn với phát triển du lịch tỉnh cũng cần tập trung phát triển. Vì vậy, tỉnh nên cân nhắc đưa các dịch vụ nói trên thành một ngành kinh tế chính, và chỉ khi phát triển các dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao thì cơ cấu kinh tế Bình Dương mới phát triển cân đối, bền vững và gia tăng được sức chống chịu.
Đăng thảo luận