Chỉ riêng Viện Tim mạch Việt Nam, trong số 3.500-4.000 ca can thiệp mỗi năm thì có 15%-17% bệnh nhân dưới 40 tuổi
Anh Dương Văn T. (31 tuổi, ở Quảng Ninh) lên cơn đau tức ngực âm ỉ nhưng nghĩ còn trẻ, bệnh "xoàng" nên không đi khám. Mới đây, đang lúc làm việc cơn đau ngực anh bộc phát dữ dội, vã mồ hôi và được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Đột tử ở tuổi 20
Tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), anh T. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim tối cấp, nhịp tim chậm 39 lần/phút. Bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng can thiệp tim mạch đặt máy tạo nhịp tim tạm thời với điện cực trong buồng tim. Kết quả chụp chiếu phát hiện động mạch vành phải tắc hoàn toàn. Các bác sĩ thực hiện can thiệp nong bóng, đặt stent tái thông dòng chảy tưới máu cơ tim.
Một ca can thiệp tim mạch Viện Tim mạch Việt Nam .Ảnh: NGỌC DUNG
Một trường hợp khác bị tắc mạch được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cứu kịp là một tài xế 28 tuổi. Trước khi nhập viện, thanh niên trẻ có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm này uống khoảng 500 ml rượu với bạn. Khoảng 30 phút khi vừa về tới nhà, bệnh nhân xuất hiện đau co thắt lồng ngực và được đưa đi cấp cứu vào giờ thứ 2 của cơn đau. Được can thiệp cấp cứu ngay lập tức, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch nhồi máu cơ tim.
GS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tim mạch vốn gặp ở người già thì nay tấn công sang cả những người còn rất trẻ và là gánh nặng y tế lớn. Trong đó, nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, tỉ lệ tử vong trên 70%. "Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, chơi hay làm việc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, nằm trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì hoặc có yếu tố gia đình" - GS Hùng cảnh báo.
Chỉ riêng Viện Tim mạch Việt Nam, mỗi năm, trong số 3.500-4.000 trường hợp can thiệp tim mạch thì có 15%-17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi. Có những người 25-30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, phải can thiệp. Trong cộng đồng, tỉ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, đa số nằm trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì hoặc có yếu tố gia đình.
Theo BS Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM), suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến, ước đoán 1,6 triệu dân số Việt Nam sống chung với bệnh này. Các bệnh lý chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì ngày càng tăng, gây ra nhiều gánh nặng cả về mặt sức khỏe lẫn kinh tế cho xã hội. Bệnh nhân suy tim đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như loạn nhịp tim, phù phổi cấp, thậm chí là tử vong.
Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đáng chú ý, biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều. Số bệnh nhân này có tuổi đời trẻ nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ như béo phì, đái tháo đường chưa phát hiện, hút thuốc lá nhiều năm với số lượng lớn…
Phát hiện thêm nhiều nguy cơ mới
Lý giải nguyên nhân bệnh tim mạch ngày càng phổ biến ở người trẻ, các chuyên gia tim mạch cho rằng có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Ngoài những yếu tố nguy cơ về lối sống (như hút thuốc lá, thuốc lào, lười vận động, béo phì, huyết áp, đái tháo đường) thì hiện nay tìm ra thêm những yếu tố nguy cơ mới. Đó là các nguy cơ như ô nhiễm môi trường, stress (căng thẳng), thức khuya... "Đối với người trẻ, nhiều người bệnh có yếu tố tích lũy nguy cơ sớm hơn. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do ăn uống đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, công việc stress, ô nhiễm môi trường hơn và lười vận động" - GS Hùng nói.
BS Tuấn cho biết thêm điều đáng nói phân nửa trong số bệnh nhân mắc bệnh suy tim sẽ tử vong sau 5 năm. Đây thật sự là con số đáng báo động. "Trong khi người dân rất sợ hãi khi nghe đến ung thư nhưng tỉ lệ tử vong do suy tim cao hơn so với các bệnh ung thư thường thấy như ung thư vú hay ung thư đại trực tràng" - BS Tuấn nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau này. Cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng. Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như đau tức vùng ngực, khó thở, toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng… nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và can thiệp điều trị nhồi máu cơ tim kịp thời.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý thêm nên phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ, kể cả khi còn là những đứa trẻ. Bởi trẻ béo phì có thể gặp các biến chứng tim mạch nguy hiểm như tăng huyết áp, dày cơ tim, rối loạn mỡ… Chế độ ăn hằng ngày cần tăng lượng tiêu thụ trái cây và rau quả để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất và chất xơ... Đây đều là những chất dinh dưỡng tốt giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Đối với người bệnh tăng huyết áp, chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc được đặc biệt khuyến khích. Ngoài ra, nên hạn chế lượng thịt tiêu thụ hằng ngày. Nếu có thể, nên lập kế hoạch ăn 2-3 bữa không thịt mỗi tuần và hạn chế ăn thịt đỏ, không ăn quá 1 bữa mỗi tuần; tránh ăn mỡ và nội tạng động vật. "Đặc biệt cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…" - PGS Lâm khuyến cáo.
Khoảng 200.000 người chết mỗi năm
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là tình trạng tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh, bia rượu, các chất kích thích và nên tăng cường tập thể dục.
Đăng thảo luận