(NLĐO) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhìn nhận một trong những thách thức lớn nhất của mua hàng qua mạng xã hội là vấn đề bảo mật và quyền riêng tư.

Nhìn lại sự phát triển thương mại điện tử qua mạng xã hội tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết kênh mua sắm này bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam vào những năm 2010, khi các nền tảng mua sắm trực tuyến như Lazada và Tiki xuất hiện.

 Mua hàng qua mạng xã hội cẩn thận lộ thông tin cá nhân 第1张

Ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm qua mạng xã hội

Tuy nhiên, phải đến khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, khái niệm Social Commerce, hay thương mại điện tử qua mạng xã hội, là giải pháp kết hợp mạng xã hội (Social media) và thương mại điện tử (E-Commerce) để thúc đẩy bán hàng trực tuyến mới thực sự trở nên phổ biến, trong đó phải kể tới sự tham gia của các nền tảng xuyên biên giới Facebook, Tiktok.

Theo nghiên cứu từ Datareportal và Wearesocial, tính đến tháng 1-2024, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 72,70 triệu người, tương đương 73,3% dân số và thời gian trung bình mà một người dùng mạng xã hội ở Việt Nam dành cho hoạt động trên mạng xã hội là khoảng 2 giờ 25 phút mỗi ngày (thuộc top 20 thế giới).

Điều này cho thấy mức độ tham gia và sự phụ thuộc cao vào mạng xã hội của người dân Việt Nam.

Những số liệu này cùng với sự đáp ứng của các nền tảng mạng xã hội vẫn đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia Social Commerce để tiếp cận và tương tác với khách hàng tiềm năng

Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhìn nhận một trong những thách thức lớn nhất của social commerce là vấn đề bảo mật và quyền riêng tư.