(NLĐO) - Mâm cúng và bài khấn cúng mùng 1 Tết có khác nhau về vùng miền cũng như tín ngưỡng nhưng tựu trung lại là tạ ơn trời, Phật, ông bà, tổ tiên… và cầu mong một năm mới an lành
Mùng một Tết là ngày đầu năm mới. Qua một năm lao động vất vả, mọi người đều nghỉ ngày mùng một Tết, ăn mặc đẹp; nhà cửa tươm tất, trang hoàng lịch sự; bàn thờ Gia Tiên, Gia Thần bông hoa bánh trái được trưng dọn đầy đủ; hoa kiểng được bố trí ngoài sân rực rỡ.
Con cháu viếng cha viếng mẹ làm Lễ trả Hiếu. Ông bà, cha mẹ lì xì để làm quà tặng đầu năm cho con cháu...
Phong tục cổ truyền cho rằng ngày mùng 1 Tết đầu năm, tâm nguyện khấn vái vấn đề gì thì cả năm được vạn sự như ý. Các gia đình thường sẽ soạn mâm cúng dâng lên các đấng bề trên.
Mâm cúng mùng 1 Tết thường được chuẩn bị chu đáo, trình bày đẹp mắt
Ảnh: Internet
Dưới đây là nghi thức và bài khấn cúng mùng 1 Tết theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, đường thượng tiên linh và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.
Hôm nay là ngày mùng 1, tháng Giêng, năm Giáp Thìn
Chúng con là: … hiện cư ngụ tại: ...
Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tới tuần Nguyên đán, mùng 1 đầu xuân, đón mừng năm mới.
Con cháu tưởng niệm ân đức tổ tiên như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo đáp ba xuân.
Chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng trước án.
Kính mời các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ độ trì con cháu, năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, bốn mùa không hạn ách nào xâm hại, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.
Tín chủ chúng con đồng tâm kính mời các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng, phù hộ cho chúng con được bách sự như ý, vạn sự cát tường.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Còn sau đây là bài văn khấn cúng mùng 1 Tết dành cho các tín đồ Phật giáo theo sách Phong tục Cổ truyền Việt Nam của tác giả Hoàng Chương:
Nam Mô Ngọc Hoàng Đại Đế Đại Thiên Tôn
Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Đại Tử Tôn
Nam Mô Địa Mẫu Nương Nương.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Di Lặc Tôn Phật.
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam Mô Địa tạng Vương Bồ Tát.
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.
Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Đồng Kính khẩn: Chư vị Gia Thần. Định Phước Thần Táo, Đại Môn Thần, Thổ Thần và Tài Thần.
Kính khấn Gia Tiên, Cửu Huyền Thất Tổ Nội Ngoại hai bên về phổ độ cho con cháu. Xin các chư vị chứng giám
Mâm cúng mùng 1 Tết
Theo sách Tín ngưỡng Việt Nam do NXB Trẻ xuất bản và lưu hành, tùy vào tín ngưỡng mà mùng 1 Tết gia chủ có thể cúng mặn hoặc chay nhưng phải chuẩn bị kỹ càng, bài trí chỉn chu, đẹp mắt. Tùy vùng, miền, mâm cúng mùng 1 Tết có những món ăn khác nhau.
Theo đó, mâm cúng mùng 1 Tết ở miền Bắc thường gồm: xôi gấc, bánh chưng, gà luộc, canh măng hoặc canh bóng, miến, xôi, nem rán, thịt đông, dưa hành, giò và bánh mứt, kẹo…
Mâm cúng mùng 1 Tết ở miền Trung thường có đủ món khô và nước: nem lụi, heo quay, gà quay, thịt nạc rim, thịt ngâm mắm ăn cùng rau sống bánh tráng, thịt gà trộn gỏi…
Trong khi đó ở miền Nam, mâm cúng mùng 1 Tết đơn giản hơn và phụ thuộc rõ rệt vào kinh tế gia đình. Thông thường, mâm cúng sẽ có lạp xưởng, gỏi gà luộc xé phay, thịt kho trứng, canh khổ qua nhồi thịt, kiệu chua ngọt, bánh tét… Trong đó, món thịt kho trứng và canh khổ qua nhồi thịt là 2 món ăn mà dù nghèo hay giàu, người miền Nam phải có trong những ngày Tết.
Ngoài mâm cúng mặn, một số gia đình lựa chọn làm mâm cúng chay cho ngày mùng 1 Tết cũng gồm các món kho, xào, canh… được chế biến từ đậu hũ, rau, củ, nấm...
Đăng thảo luận