Các tướng Huỳnh Châu, Huỳnh Lương sau khi lập công đã trở thành nhân vật trọng yếu trong sự nghiệp mở mang bờ cõi và sinh hạ, nuôi dạy, rèn tập cho Nguyễn Huỳnh Đức nên người, kế nghiệp vẻ vang
Nguyễn Huỳnh Đức gốc họ Hoàng, tên Tường Đức. Vì kiêng tên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nên gọi "chệch" Hoàng thành Huỳnh. Rồi vì lòng trung trinh và có công lớn trong việc phò giúp chúa Nguyễn Ánh nên được "tứ quốc tính" (ban cho được mang họ của vua). Do đó, đổi họ và tên đệm, gọi là Nguyễn Huỳnh Đức.
Lăng mộ
Từ dòng dõi công lao mở đất
Nguyễn Huỳnh Đức - với tên sơ sinh là Huỳnh Tường Đức - đã chào đời vào năm 1748 ở Giồng Cái Én thuộc làng Trường Khánh, châu Định Viễn, dinh Long Hồ (nay là phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An).
Bấy giờ, 9 năm trước mốc thời gian 1757 là năm các chúa Nguyễn hoàn thành sự nghiệp Nam tiến thần thánh của dân tộc, căn bản mở mang xong đất Nam Bộ, đưa nhập toàn bộ vùng Nam Bộ ngày nay vào bản đồ nước Đại Việt. Ông nội của Nguyễn Huỳnh Đức là Huỳnh Châu, cùng với cha của Nguyễn Huỳnh Đức là Huỳnh Lương đều đã thành những võ tướng nổi tiếng ở xứ Đàng Trong, được các chúa Nguyễn phong làm chức Cai đội.
Và từ năm 1731, các ngài đã theo tướng Trương Phước Vĩnh dẹp yên cuộc nổi loạn Sá Tốt của người Chân Lạp. Vua nước Chân Lạp - tiếp tục đà "dâng đất chuộc tội" - đã xin đem vùng đất Peam Mesar, nay gọi là Mỹ Tho, cùng với vùng đất bấy giờ gọi là Long Hor (bây giờ là Vĩnh Long) dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chú. Vị chúa này nối tiếp sự nghiệp của chúa cha là Nguyễn Phúc Chu từng nhận đất Hà Tiên do Mạc Cửu khai thác và đem dâng - đã chấp thuận ngay, cho chuyển đặt Peam Mesor và Long Hor thành châu Định Viễn, dinh Long Hồ.
Tiếp theo là những năm tháng nhộn nhịp khai thác, phát triển vùng đất mới này: bổ nhiệm quan lại, chiêu mộ thêm dân Việt đến sinh sống lập nghiệp…
Các tướng Huỳnh Châu, Huỳnh Lương sau khi lập công đã trở thành nhân vật trọng yếu của sự nghiệp này và sinh hạ, nuôi dạy, rèn tập cho Nguyễn Huỳnh Đức nên người, kế nghiệp vẻ vang trong bối cảnh đó.
Di tích trung thần Nguyễn Huỳnh Đức tại TP Tân An, tỉnh Long An. (Ảnh: TANAN.LONGAN.GOV.VN)
Một lòng theo chúa Nguyễn Ánh
Nguyễn Huỳnh Đức ngay từ thời trẻ đã tham gia tích cực cùng cha ông vào việc mở mang đất quê hương.
Là người được sử sách mô tả: "Có dung mạo khôi ngô, khỏe mạnh hơn người, được mọi người coi là Hổ tướng", Nguyễn Huỳnh Đức vừa rèn tập võ nghệ vừa khai hoang, vỡ đất, đánh đuổi thú dữ, trở thành một thủ lĩnh có tiếng ở quê hương. Và cùng với Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Trương Tấn Bửu được người thời bấy giờ xưng tụng là "Gia Định Ngũ Hổ Tướng".
Năm 1781, ở độ tuổi "tam thập nhi lập", ông gia nhập lực lượng "Đông Sơn quân" của tướng Đỗ Thành Nhơn, theo giúp chúa Nguyễn Ánh chống đánh quân Tây Sơn. Đến khi chúa Nguyễn Ánh nghi ngờ sự trung thành của Đỗ Thành Nhơn, xuống tay giết hại thì tuy chủ tướng bị diệt nhưng bộ tướng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn được chúa Nguyễn Ánh tin dùng, thậm chí đến năm 1782 còn được phong chức Tiền Quân.
Từ đây, Nguyễn Huỳnh Đức gắn bó chặt chẽ cuộc đời của mình với chúa Nguyễn Ánh.
Chúa Nguyễn Ánh còn nhớ mãi lần Nguyễn Huỳnh Đức quên thân cứu mạng mình trong lúc lâm nguy khi giao chiến với quân Tây Sơn, thua trận, bị truy sát, một mình một thuyền, chạy trốn, chỉ có mỗi Nguyễn Huỳnh Đức ở bên. Khi thuyền mắc cạn giữa sình lầy, trong đêm tối, ở mặt rừng phía trước thấy trắng những cánh cò ngủ đậu nhưng trông gà hóa cuốc tưởng là cờ hiệu của Tây Sơn trên nóc các cột buồm, chúa Nguyễn Ánh đã hoảng loạn toan bỏ thuyền, lên bờ chạy tiếp. Duy có Nguyễn Huỳnh Đức nhận ra cánh cò không phải cờ hiệu, lại ngại lội sông lên bờ sẽ gặp cá sấu nên cố giữ chúa ở lại thuyền và dùng tay xua muỗi để cho Nguyễn Ánh - quá mệt mỏi - gối đầu lên đùi mình mà ngủ thiếp suốt đêm.
Đến sáng, tỉnh giấc, nhận ra tình cảnh ấy, chúa Nguyễn cảm động, coi Huỳnh Tường Đức là người cùng dòng máu đã cho được đổi họ tên thành Nguyễn Huỳnh Đức từ ấy.
Còn Nguyễn Huỳnh Đức thì lại hành động: Vào năm 1783, chặn đường quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi chúa Nguyễn Ánh chạy dài sang tận Xiêm La (Thái Lan), ở trận Đông Tuyên. Thất lợi trong chiến đấu, Nguyễn Huỳnh Đức cùng 500 thuộc hạ bị quân Tây Sơn bắt sống. Chỉ huy quân Tây Sơn bấy giờ là Nguyễn Huệ thấy Nguyễn Huỳnh Đức có tướng Hổ nên rất muốn thu dụng. Không còn đường nào khác, Nguyễn Huỳnh Đức đành tạm theo Tây Sơn nhưng vẫn thề rằng: Chỉ giúp Tây Sơn đánh Chúa Trịnh và khi nào tìm được tông tích Nguyễn Ánh thì sẽ về theo ngay!
Du khách tham quan đền thờ và lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Ảnh: TTXVN
Vậy là vào năm 1786, khi Nguyễn Huệ đưa quân Tây Sơn ra Bắc "Phù Lê diệt Trịnh" thì có Nguyễn Huỳnh Đức dưới cờ. Sau khi toàn thắng, dẫn quân trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã để lại Nguyễn Huỳnh Đức làm phó tướng cho chánh tướng Nguyễn Văn Duệ, trấn thủ Nghệ An.
Biết được nội tình Tây Sơn là Nguyễn Văn Duệ không ưa Nguyễn Huệ, muốn đưa quân từ Nghệ An vòng qua Phú Xuân vào Bình Định ở với trưởng huynh Nguyễn Nhạc của Nguyễn Huệ, phó tướng Nguyễn Huỳnh Đức đã gợi ý với Nguyễn Văn Duệ về con đường Thượng đạo, men dọc Trường Sơn, có thể theo đó mà về Bình Định và xin làm tiền phong.
Được Nguyễn Văn Duệ tin theo, Nguyễn Huỳnh Đức đã cùng 5.000 quân Tây Sơn của Nguyễn Văn Duệ lên đường. Nhưng mới đi được mươi ngày thì đã bỏ quân ngũ trốn sang bên kia Trường Sơn, lần đường đến xứ Vạn Tượng (tức Viêng Chăn ngày nay) rồi đi tiếp sang Xiêm La, vì những tưởng chúa Nguyễn Ánh đang nương náu ở đây.
Tuy nhiên, lúc này, Nguyễn Ánh đã trở về Gia Định. Thành ra ở Xiêm La, Nguyễn Huỳnh Đức rơi vào cảnh ngộ là người mà vua nước Xiêm rất muốn lưu giữ để sử dụng. Chán nản và buồn bực, trước thịnh tình của vua Xiêm, Nguyễn Huỳnh Đức đã thổ ra một đống huyết để trả lời! Vì thế, biết không thể mua chuộc được Nguyễn Huỳnh Đức, vua Xiêm đành phải cấp cho binh thuyền để ông tìm đường về nước. Mừng tủi mà gặp lại được chúa cũ, lúc này đã giỏi xoay chuyển tình thế, đang trên đà lấn lướt mà phản công thắng lợi trước quân Tây Sơn - một Tây Sơn mà từ năm 1792 đã không còn Nguyễn Huệ, sau 4 năm là Hoàng đế Quang Trung nữa.
Sự nghiệp liên tục
Năm 1799, Nguyễn Huỳnh Đức được chúa Nguyễn Ánh phong làm Chưởng quản Hữu quân dinh, dẫn binh ra đánh, lấy được Phan Ri (Bình Thuận) rồi Thi Nại (Bình Định).
Năm 1800, Nguyễn Huỳnh Đức lại dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn. Sau đó được cử trở về Nam, cai quản xứ Định Tường. Năm 1801, chúa Nguyễn Ánh lại gọi ông ra trấn giữ thành Quy Nhơn, để chúa được rảnh tay dẫn quân đánh chiếm Phú Xuân. Trấn giữ và quản lý các vùng đất trọng yếu như thế, Nguyễn Huỳnh Đức - ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" - đã trở lại là người tiếp tục mở đất giỏi, như ngày còn trẻ, giỏi mở đất Ba Giồng ở quê hương.
Vì thế, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế Gia Long vào năm 1802 thì đã phong ngay Nguyễn Huỳnh Đức làm Quận công, liệt vào hàng "Khai quốc công thần". Đến năm 1810, cần người quản lý toàn miền đất và người Bắc Thành mới thu phục được, nhà vua đã cử ngay vị Khai quốc công thần trung thành của mình ra làm Tổng trấn kiêm chức Khâm sai Chưởng Tiền quân.
Sau 6 năm giữ trọng trách đứng đầu miền Bắc Thành, đến năm 1816, Nguyễn Huỳnh Đức lại được gọi về triều để rồi được cử vào Nam, làm Tổng trấn Gia Định Thành, trở thành người duy nhất trong lịch sử buổi đầu triều Nguyễn lần lượt làm Tổng trấn cả hai miền.
Được an táng ở quê nhà
Giỏi sự nghiệp tiếp tục mở đất bằng việc giỏi trấn giữ và quản lý như thế, trung thần Nguyễn Huỳnh Đức đến tuổi "cổ lai hy" đã ung dung lìa đời và được an táng tại quê nhà, được vua Gia Long truy tặng "Thôi trung Dực vận Công thần, Đặc tấn Phục quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái Phó Đức quận công".
Ông được nhân dân thương mến tặng câu ca: "Ngậm ngùi thay, bề tôi trung liệt/ Giữ một tiết thẳng ngay, ở cùng Chúa/ Vẹn toàn câu chung thủy/ Ước tự ngàn xưa có mấy ai!"...
Đăng thảo luận