(NLĐO) - Từ vụ đông xuân 2022-2023 đến nay, tỉnh Long An đã triển khai được 1.400 ha lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với 624 lượt hộ tham gia tại các HTX có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Thời gian qua, kể từ sau khi UBND tỉnh Long An ban hành Đề án thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc trồng lúa và nuôi bò là hai mô hình "sáng" ở Long An.
Khắc phục tình trạng thiếu lao động
Đối với việc xây dựng mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao/mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tỉnh đã triển khai 12/13 mô hình theo kế hoạch, với diện tích 600 ha, 220 hộ tham gia; phần lớn diện tích giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu phun thuốc, làm đất, thu hoạch.
Chi phí sản xuất bình quân trong mô hình từ 19 triệu đồng/ha đến 21,18 triệu đồng/ha, giảm 1,45 triệu đồng/ha đến 2,8 triệu đồng/ha so ngoài mô hình. Năng suất bình quân 6,2 tấn/ha đến 8,9 tấn/ha, tăng khoảng 100 kg/ha đến 500 kg/ha so ngoài mô hình. Phần lớn mô hình giảm lượng giống gieo sạ với đối chứng nên lợi nhuận đạt cao hơn ngoài mô hình từ 1,45 triệu đến 2,8 triệu đồng/ha.
Tỉnh Long An đã và đang đẩy mạnh Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: HOÀNG VŨ
Ngành nông nghiệp đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các huyện thị xã Kiến Tường: Các địa phương đã chủ động triển khai các kế hoạch theo nhiệm vụ được giao tại địa phương mình.
Kết quả đã triển khai nhân rộng 243 mô hình, diện tích 13.413 ha, duy trì 14 mô hình đã triển khai từ những năm trước với diện tích là 734 ha. Ngoài ra, các địa phương còn chủ động triển khai được 34 mô hình điểm với diện tích là 1.672 ha.
Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 59.672 ha/60.000 ha diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao vùng Đề án, đạt 99,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2025.
Đăng thảo luận