Không chỉ toàn tâm toàn ý với việc dạy học, cụ Võ Trường Toản còn sở đắc một phương pháp giáo dục đặc biệt quý giá: Dùng trí tuệ để sáng tạo và lấy đạo đức làm nghĩa khí

Sự nghiệp mang gươm đi mở cõi và giữ đất ở mạn Nam xứ Đàng Trong nước Đại Việt quá gian truân, vất vả từ cuối thế kỷ XVI đến suốt thế kỷ XVII, nên phải sang đến thế kỷ XVIII mới hun đúc nên được một vị thầy hiền lương, giúp cho nước được hưng thịnh. Đó là cụ Võ Trường Toản.

Lấy nghĩa lý mà giáo hóa

Chưa ai thật rõ được về lai lịch của cụ Võ Trường Toản. Uyên bác như vị tiến sĩ Nho học đầu tiên của đất Nam Kỳ là Phan Thanh Giản mà cũng chỉ mang máng viết vào văn bia thờ "Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh" - cách vua Gia Long gọi cụ Võ Trường Toản - rằng cụ là người gốc Thanh Kệ - Quảng Đức (tức huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hoặc Bình Dương - Gia Định (nay là TP HCM).