Tổng kết công lao và thành tích của "người mở đất Nam Bộ", sử cũ chép rõ: "Nguyễn Hữu Cảnh đã mở rộng đất đai được nghìn dặm, dân hơn 4 vạn hộ!"
Ngài trước hết là người có nhiều tên, "Kính" là nguyên danh. Kỵ húy, đọc thành "Kiếng". Tên phổ thông là "Cảnh", tránh tên của Hoàng tử Cảnh, đọc thành "Kiểng". Những tên gọi khác là "Lễ", là "Thành". Từ đây mà có tước hiệu được phong là "Lễ Thành Hầu". Biến danh ở các địa phương, thành ra là "Lễ Công", "Thượng Đăng (Đẳng) Lễ", "Chưởng binh Lễ"... Tuy nhiên, danh hiệu đúng nhất để nói về công lao, sự nghiệp của ngài thì đó là "người mở đất Nam Bộ" (từ cuối thế kỷ XVII).
Từ dòng dõi con nhà tướng...
Nguyễn Hữu Cảnh có ông nội là Triều Văn Hầu, tước Nguyễn Triều Văn, người làng Gia Miêu (Tống Sơn - Thanh Hóa), làm quan nhà Lê Trung Hưng, đã theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa từ năm 1558.
Thành kính dâng hương trong lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại TP HCM (Ảnh: QUỐC THANH)
Định cư ở miền đất nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, được một thời gian Hầu tước Triều Văn trở ra miền Bắc, đưa con trai nhỏ 6 tuổi là Nguyễn Hữu Dật cùng mình vào miền hùng cứ của các chúa Nguyễn, bấy giờ là đời trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Trưởng thành vào lúc bùng nổ cuộc "Trịnh - Nguyễn phân tranh", Nguyễn Hữu Dật nhanh chóng trở thành một trong 3 danh tướng trụ cột của "Xứ Đàng Trong" (là Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật) vào đời trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Lan, được thăng chức Cai cơ, làm quan Ký lục dinh Bố Chính, khi cùng cha - Hầu tước Triều Văn - đánh thắng lớn quân nhà Trịnh vào năm 1648.
Sau đến đời trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Tần, vào năm 1650, Nguyễn Hữu Dật sinh hạ được con trai thứ 3 là Nguyễn Hữu Cảnh. Sống giữa thời "Trịnh - Nguyễn phân tranh", Nguyễn Hữu Cảnh ngay từ tuổi niên thiếu và thanh niên đã rất chuyên tâm rèn văn luyện võ. Đặc biệt là đã rất sớm được theo cha - cùng cha "đi trận", xông pha giữa mũi tên làn đạn, lập được nhiều chiến công. Vì thế mới vào độ tuổi 20, ông đã được Chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ. Còn người đương thời thấy ngài có nước da ngăm đen, vóc dáng hùng dũng lại sinh vào năm Dần nên thường tôn gọi ngài là "Hắc Hổ".
... Đến thực tế là một tướng tài
Xứ Đàng Trong đến đời trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thực sự cần đến tài năng quân sự của "Hắc Hổ tướng quân".
Bấy giờ là mùa thu năm 1692, nước Chiêm Thành - sau các thời ngài Lương Văn Chánh mở đất Phú Yên, ngài Hùng Lộc Hầu mở đất Khánh Hòa - đã bị co hẹp lãnh thổ và quyền lực vào chỗ chỉ còn là vùng Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Quốc vương Chiêm Thành là Pô Thot - được sử sách nhiều triều Nguyễn chép tên Việt là Bà Tranh - sau hơn 30 năm ngồi ngai (từ năm 1660) đến lúc này chuyển đổi chính sách, bắt đầu "làm phản" - chữ của sách "Đại Nam thực lục, Tiền biên" - và cho hợp quân, đăng lũy cướp giết cư dân phủ Diên Ninh (tức sau là Diên Khánh) - vẫn là chữ của sách này.
Chúa Nguyễn Phúc Chu trước tình huống ấy đã nhanh nhạy cử ngay tướng Nguyễn Hữu Cảnh - ở tuổi 42 và nhờ công trạng từ trước đấy đã được phong tước Lễ Tài (Thành) Hầu - dẫn quân đi ứng cứu, với chức "Thống binh".
Nhận nhiệm vụ trọng đại vào tháng giêng năm 1693, ngài Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu dẫn ba quân - Chính Dinh, Quảng Nam, Bình Khang - lên đường và đánh thẳng sang đất Chiêm Thành. Quốc vương Bà Tranh chống cự không nổi, bỏ thành chạy trốn về phía Nam. Nguyễn Hữu Cảnh liền dẫn quân truy kích và đến tháng 3-1693 thì bắt được Bà Tranh cùng cả triều đình, thân thuộc.
Tháng 7-1693, Nguyễn Hữu Cảnh dẫn đoàn quân chiến thắng trở về. Chúa Nguyễn một mặt "kể tội" rồi đày ải nhưng vẫn nuôi dưỡng chu đáo Bà Tranh cùng triều đình và thân thuộc ở núi Ngọc Trản (vùng Điện Hòn Chén, ngoại vi TP Huế hiện nay), một mặt đổi gọi miền đất cuối cùng của nước Chiêm Thành là "trấn Thuận Thành", rồi "phủ Bình Thuận", cử các quan tướng của mình vào đóng quân, trấn giữ các thành Phan Rang, Phan Ri (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận).
Nước Chiêm Thành, sau các chiến công do ngài Nguyễn Hữu Cảnh, đến năm 1693, trên thực tế đã không tồn tại nữa. Nhưng sau năm 1694 thì dư đảng của vương quốc này, thêm sự khích bác và hợp tác của một Hoa kiều tên là A Ban - sau đổi thành Ngô Lãng - đã nổi dậy, đánh phá dữ dội. Các tướng trấn thủ của Chúa Nguyễn đều bị đánh bại hoặc bị giết chết.
Tình thế khẩn cấp ấy một lần nữa khiến Chúa Nguyễn Phúc Chu phải nhờ đến ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Một lần nữa, ở tuổi 44 sung sức, vị tướng tài không hổ danh "Hổ phụ (Nguyễn Hữu Dật) sinh Hổ tử" lại ra quân và nhanh chóng đánh tan, dẹp yên cuộc nổi dậy cuối cùng của Chiêm Thành.
Người mở đất Nam Bộ
Xứ Đàng Trong của nước Đại Việt với công lao đánh dẹp của ngài Nguyễn Hữu Cảnh ở các năm 1693, 1694 - mở mang đất đai tới vùng Phan Rang, Phan Ri (tức Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) thì cương vực phía Nam đã sát đến nước Chân Lạp.
Bấy giờ - như sự ghi chép của sách "Gia Định thành thông chí" - ở miền địa đầu nước Chân Lạp, đặc biệt là các xứ Mỗi Xoài (thuộc Bà Rịa ngày nay) và Đồng Nai (thuộc Biên Hòa ngày nay) "đã có dân lưu tán của nước ta cùng ở lẫn với người Cao Miên để khai thác ruộng đất". Và rộng ra là trên cả miền Nam Bộ ngày nay - trước sự hấp dẫn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy có lầy lội và hoang vu nhưng hứa hẹn rất lớn sự phì nhiêu và phồn thịnh; còn dân cư Cao Miên ở đây thì vẫn như lời sách "Gia Định thành thông chí", lại luôn sợ phục uy đức của triều đình (các chúa Nguyễn), thường nhường mà tránh, không dám tranh giành, ngăn trở - nhiều người Việt gốc Thuận Quảng, cả những người Hoa gốc Minh Hương nữa, ngày càng thêm đông đảo, tìm đến sinh sống, làm ăn.
Trong khi đó, triều đình Chân Lạp vừa suy yếu vừa luôn mâu thuẫn nội bộ mà lục đục, thêm với sự uy hiếp, can thiệp, cả xâm lấn của nước Xiêm La láng giềng ở phía Tây nên cũng đã nhiều lần cầu cứu sự giúp đỡ, thậm chí đã phải nhiều lần thần phục các chúa Nguyễn.
Đấy là cơ sở và điều kiện để Chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698 ra một quyết định lịch sử, cực kỳ lớn lao và quan trọng là: Tổ chức đặt định bộ máy hành chính của người Việt trên toàn miền đất mà ngày nay là Nam Bộ. Và một lần nữa, ngài Nguyễn Hữu Cảnh, ở tuổi 48 lại được giao và nhận trọng trách thực hiện sự nghiệp này.
Từ tháng 2-1698, với chức "Thống suất" làm nhiệm vụ "đi Kinh lược xứ Đồng Nai", ngài Nguyễn Hữu Cảnh đã dẫn đầu đoàn thuyền vượt biển vào sông Đồng Nai, chọn địa điểm Cù Lao Phố đặt tổng hành dinh, để trước hết sáng tạo, kỳ công thành lập các đơn vị hành chính - chính quyền mà sách "Gia Định thành thông chí" đã ghi lại được: "Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh trấn biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thư, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có hai ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng dưới quyền quan Ký lục) và Lai ty (coi việc tài chính, do quan Cai bạ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ".
Trong công cuộc tổ chức các đơn vị hành chính này, ngài Nguyễn Hữu Cảnh còn chu đáo tính đến cả việc quản lý số dân cư là người Hoa, như thấy chép trong sách "Đại Nam thực lục":
"Lấy người nước Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn, lập làm xã Minh Hương".
Đặc biệt là việc đưa dân các nơi vào định cư ở miền đất mới, trong đó rất khéo chiêu dụ người đồng hương Quảng Bình, như sách "Đại Nam Liệt truyện tiền biên" đã chép:
"Cho chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã thôn, chia rõ địa phận, phân chia ruộng đất, chuẩn định các thuế đinh, thuế điền và lập bộ hộ tịch đinh, điền".
Tổng kết cụ thể, công lao và thành tích của "người mở đất Nam Bộ", sử cũ chép rõ: "Nguyễn Hữu Cảnh đã mở rộng đất đai được nghìn dặm, dân hơn 4 vạn hộ!".
Lời tâm sự cuối cùng
Trong cuộc mở đất Nam Bộ vào năm 1698 của ngài Nguyễn Hữu Cảnh đã yên bề nhưng "người mở đất" vẫn mẫn cán dẫn quân đi kinh lý các địa phương tiếp tục sự nghiệp mở đất sang đến năm 1699. Đến tháng 5-1700 thì được đưa vào sách "Đại Nam thực lục" với những dòng sử bút cổ truyền:
"Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (tức Cảnh) chết. Đầu là Hữu Kính (Cảnh) đóng quân ở Lao Đôi, gặp mưa to, gió lớn. Núi Lao Đôi lở, tiếng kêu như sấm. Đêm ấy, mộng thấy một người mặt đỏ mày trắng tay cầm phủ việt bảo rằng: "Tướng quân nên kíp đem quân về. Ở đây lâu, không lợi". Hữu Kính (Cảnh) cười, nói rằng: "Mệnh ở trời, đâu phải ở đất này". Khi thức dậy, thân thể mỏi mệt nhưng vẫn cười nói như thường để giữ yên lòng quân. Đến khi bệnh nặng, bèn than rằng: "Ta muốn hết sức báo đền ơn nước nhưng sức trời có hạn, sức người không thể vượt được!" bèn kéo quân về, đi đến Sầm Khê (tức Rạch Gầm) thì chết, thọ 51 tuổi (tính cả tuổi mụ)!".
Đăng thảo luận
2024-12-20 21:24:40 · 来自139.199.152.25回复
2024-12-20 21:34:37 · 来自61.236.20.11回复
2024-12-20 21:44:37 · 来自106.85.203.156回复
Nguyễn Hữu Cảnh là một hình ảnh vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, với công lao không kể của mình trong việc mở rộng địa bàn và Synchronizing dân cưvila chu khỏi Nam Bộ. Ông đã chứng tỏ tài năng quân sự vô cùng cũng như lòng trung thành vào quê huơ尖尖của đất nước.
2024-12-20 21:54:30 · 来自222.61.70.238回复
2024-12-20 22:04:40 · 来自222.20.228.112回复
2024-12-20 22:14:34 · 来自222.43.210.238回复
2024-12-20 22:24:42 · 来自36.59.186.9回复