(NLĐO) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều thách thức, áp lực với thị trường việc làm tăng cao, những quy định nhằm bảo vệ và hỗ trợ người lao động ngày càng được nhiều Chính phủ quan tâm hơn

Một trong số đó chính là "quyền ngắt kết nối", quy định cho phép người lao động không còn bị bắt buộc phải nhận mọi liên lạc điện thoại, tin nhắn, email công việc sau giờ làm.

Úc vừa trở thành quốc gia mới nhất gia nhập làn sóng này. Theo đó, kể từ ngày 26-8-2024, luật về "Quyền ngắt kết nối" đã chính thức có hiệu lực tại Úc, buộc các công ty không được phép trừng phạt người lao động khi bị liên hệ ngoài giờ làm việc. Các doanh nghiệp vi phạm có thể phải chịu mức phạt tối đa 94.000 AUD (khoảng 1,6 tỉ đồng).

Theo luật mới này, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc công việc có giờ giấc không cố định, người sử dụng lao động không thể yêu cầu nhân viên trả lời ngoài giờ làm việc. Luật không cấm sếp liên lạc với nhân viên nhưng người lao động có quyền từ chối không đọc hay phản hồi hoặc liên lạc với sếp ngoài giờ làm việc mà không cần bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với cơ quan có từ 15 người lao động trở lên.

Luật mới này đưa Úc vào danh sách các quốc gia đã áp dụng "quyền ngắt kết nối", chủ yếu là ở châu Âu và Mỹ Latinh, trong đó Pháp là nước tiên phong khi ban hành luật này vào năm 2017. 

Luật này được kỳ vọng sẽ giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân nhưng cũng đặt ra thách thức cho người sử dụng lao động trong việc quản lý nhân sự và đảm bảo hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

 Những quyền "độc lạ" của người lao động trên thế giới 第1张

Nhân viên ở Úc có quyền "ngắt kết nối" sau giờ làm

Tại Thụy Điển, nhân viên công sở có 2 giờ mỗi ngày để uống cà phê. Giờ uống cà phê ở đây được gọi là giờ Fika. Đó là lúc 10 giờ sáng và 3 giờ chiều để mọi người chia sẻ về công việc và những chủ đề ngoài công việc. 

Bên tách cà phê nóng cùng một vài đồ ăn ngọt, mọi người sẽ tìm thấy những điểm chung và phát triển những ý tưởng sáng tạo độc đáo cho sự nghiệp và có nhiều đóng góp hơn cho công ty.

Ở Phần Lan, quyền đi tắm hơi sauna trong giờ làm việc được xem là "đặc sản" của quốc gia bắc âu này. Nhiều công ty ở đây cho phép nhân viên dành thời gian nghỉ để đi tắm sauna trong giờ làm việc. Đây là một phần của văn hóa và được coi là phương tiện để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.

Nhật Bản thì khuyến khích nhân viên ngủ trưa tại công sở. Ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản khuyến khích nhân viên ngủ trưa tại văn phòng. Văn hóa làm việc cường độ cao ở Nhật đã khiến các doanh nghiệp này tạo điều kiện để nhân viên ngủ tại bàn, gọi là "inemuri" (ngủ khi vẫn đang có mặt), nhằm giúp họ phục hồi năng lượng.

Trong khi đó tại Đan Mạch, hầu hết nhân viên công sở nước này rời văn phòng vào lúc 16 giờ bởi một tuần họ làm việc 5 ngày với thời gian làm việc không được vượt quá 37 tiếng mỗi tuần.

Người lao động làm toàn thời gian ở Đan Mạch thường được nghỉ phép hưởng lương 5 tuần liền để đi du lịch, bất kể vị trí hay lĩnh vực họ đảm nhận.

 Những quyền "độc lạ" của người lao động trên thế giới 第2张

Fika là nét văn hoá công sở của Thuỵ Điển

Thế giới cũng đang đứng trước một cuộc cách mạng về việc làm khi cho phép người lao động chuyển đổi sang tuần làm việc 4 ngày.

Cộng hòa Dominica là quốc gia mới nhất thông báo sáng kiến làm việc 4 ngày một tuần sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 2-2024 và các công ty có thể tự nguyện thử nghiệm lịch làm việc này trong vòng 6 tháng.

  • Giảm giờ làm việc, tăng giờ nghỉ giải lao cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19

  • Tính tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm thế nào?

Người lao động ở Cộng hòa Dominica sẽ giảm thời gian làm việc trong tuần từ 44 giờ xuống còn 36 giờ, từ thứ hai đến thứ năm, và vẫn nhận mức lương như cũ.

Trước đó, vào năm 2022, Chính phủ Bỉ ra quy định làm việc mới, cho phép người lao động làm việc 4 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 10 tiếng.

Người lao động Bỉ có thể chọn làm việc tối đa 10 giờ/ngày để có thêm 1 ngày nghỉ mỗi tuần mà vẫn hưởng đủ lương, thay vì tối đa 8 giờ và 5 ngày/tuần như hiện tại.

Người Bỉ cũng có thể lựa chọn làm việc nhiều hơn trong một tuần nào đó và ít hơn trong tuần sau đó. Quy định mới linh hoạt cho phép mọi người quản lý tốt hơn cuộc sống riêng tư và công việc.