Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng mạng xã hội để xử lý khi xảy ra các hoạt động lừa đảo

Mới đây, ông Pavel Durov, nhà sáng lập và giám đốc điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram - một trong những nền tảng có lượng người dùng lớn nhất thế giới - bị bắt do bị nghi ngờ là đồng lõa trong hoạt động buôn bán ma túy, tội phạm ấu dâm và gian lận.

Dễ dàng "dính bẫy"

Ghi nhận trên Telegram cho thấy nền tảng này hoạt động sôi động với hàng chục ngàn hội nhóm trao đổi thông tin độc hại, hình ảnh khiêu dâm, cờ bạc trá hình dưới dạng hướng dẫn đầu tư, buôn bán mặt hàng trái pháp luật…

Nền tảng này cũng thu hút lượng lớn người dùng tham gia, thường xuyên khoe ảnh chốt lời hàng trăm triệu đồng/phiên bán hàng, trúng ô tô tiền tỉ... Trong đó, nhóm "Kiếm tiền - đầu tư" có tới 69.113 thành viên, "Bán tài khoản ngân hàng" 34.700 thành viên, "Camera quay lén" 191.500 thành viên…

Ông Chu Văn Nam (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết thời gian qua, ông nhận hơn 30 cuộc gọi từ các đầu số lạ, mời gọi tham gia các hội nhóm trên Telegram để nhận quà trúng thưởng, đầu tư sinh lời cao với vốn thấp, việc làm tại nhà lương cao...

"Đa số người gọi thường dẫn dụ người dùng sang Telegram để trao đổi thông tin để khiến họ rơi vào bẫy được lên kịch bản sẵn. Trước đó, vì làm theo hướng dẫn của một người đàn ông tên T - tự xưng là nhân viên của công ty chuyên đầu tư chứng khoán, tiền số có trụ sở tại Hà Nội, cam kết sinh lời 100% - nên tôi đã vào group "Kiếm tiền 24h". Chỉ hơn 1 tuần giao dịch, tôi bị lừa gần 30 triệu đồng" - ông Nam bức xúc.

Báo cáo hồi tháng 7 của hãng bảo mật Kaspersky cho biết tội phạm mạng hiện sử dụng Telegram như một nền tảng giao dịch các hoạt động thị trường ngầm. Theo thống kê của Kaspersky, số lượng bài đăng của những dịch vụ này trên Telegram trong 2 tháng 5, 6 tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng ngoài Telegram, trên những nền tảng khác như Facebook, YouTube hay X (Twitter trước đây) cũng xuất hiện không ít nội dung sai lệch, phản cảm hoặc bán sản phẩm không đúng như quảng cáo… Chẳng hạn, khi đang phát video du lịch trên YouTube, nền tảng này bất ngờ phát quảng cáo một thiết bị giá chưa tới 200.000 đồng "giúp hộ gia đình tiết kiệm đến 45% hóa đơn điện".

Trong vai người mua hàng, chúng tôi đã liên hệ theo số điện thoại trên màn hình và được người phụ nữ tên Hạnh báo giá 199.000 đồng/bộ, gồm hộp tiết kiệm điện và bút thử điện. Theo lời quảng cáo, thiết bị này đã được tích hợp công nghệ tiết kiệm điện năng. Người dùng chỉ cần cắm thiết bị vào ổ điện bất kỳ trong nhà, tháng đầu sẽ giảm được 20%-30% lượng điện tiêu thụ, tháng tiếp theo giảm đến 40%-45% (!?).

Người tên Hạnh cam kết thiết bị này sản xuất từ Nhật Bản, bảo hành 1 đổi 1 nếu không đúng quảng cáo và đổi sản phẩm mới trong 1 năm. Từng mua sản phẩm này, một tài khoản tên Đ.Nh (TP HCM) phản ánh trên Facebook rằng thiết bị không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt và cũng không tiết kiệm điện như quảng cáo. "Liên hệ người bán thì họ nói vòng vo nên tôi mới biết mình bị lừa" - Đ.Nh thừa nhận.

Một chuyên gia trong ngành điện khẳng định những thiết bị được quảng cáo như trên là lừa đảo, là chiêu trò đánh vào tâm lý ham dùng nhiều nhưng trả tiền ít. Những thiết bị này hầu hết là hàng trôi nổi nên không chỉ không tiết kiệm mà còn khiến dòng điện không ổn định, làm hỏng đồ dùng điện. "Giả sử thiết bị có tính năng khiến đồng hồ điện chạy chậm thì người dùng đang thực hiện hành vi "ăn cắp" điện, sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Những thiết bị này mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ" - chuyên gia nêu trên khuyến cáo.

 Quản lý chặt mạng xã hội để ngăn ngừa lừa đảo 第1张

Một video trên mạng xã hội phát quảng cáo thiết bị “làm đồng hồ điện chạy chậm lại, tiết kiệm 45% hóa đơn tiền điện”Ảnh: MỘc Nhiên

Tăng mức xử phạt để răn đe

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Phòng An toàn thông tin, Trung tâm Viễn thông - Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết tình trạng lợi dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, X, Telegram để lừa đảo đã xảy ra nhiều năm qua.

Trong đó, Telegram được xem là "hang ổ" của tội phạm do việc đăng ký tài khoản dễ dàng, hệ thống máy chủ ở nước ngoài, sử dụng mã hóa dữ liệu đầu cuối nên độ bảo mật rất cao. Tuy nhiên, người dùng Telegram chưa nhận thức được nguy cơ bị kẻ xấu đánh cắp dữ liệu bằng cách thâm nhập hội nhóm trao đổi công việc của họ thông qua tìm kiếm tên trên Telegram.

Theo chuyên gia bảo mật Phạm Đình Thắng, Telegram được giới tội phạm xem là nơi "lý tưởng" để hoạt động, do nội dung chia sẻ không bị kiểm soát, không cần phải xác thực thông tin cá nhân, dẫn đến lừa đảo tràn lan trên ứng dụng này.

Bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam, nhận định tỉ lệ người bị lừa qua Telegram hay các nền tảng khác như Facebook, X... tương đương nhau vì chúng đều hoạt động dưới dạng mạng xã hội, tính năng gần giống nhau và có máy chủ đặt ở nước ngoài. Nguyên nhân khiến người dùng bị lừa không phụ thuộc vào nền tảng mà là do bị đánh đúng vào lòng tham.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những thủ đoạn của kẻ xấu, cũng như khuyến cáo cách phòng tránh. Ngoài ra, cần phổ biến kiến thức về an toàn mạng trong chương trình giáo dục từ cấp tiểu học để hình thành thói quen sử dụng mạng an toàn.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát và bổ sung các quy định pháp luật liên quan tội phạm mạng, bảo đảm tính kịp thời và phù hợp với thực tiễn; tăng mức xử phạt đối với các hành vi lừa đảo trực tuyến để tạo sức răn đe; xác định rõ trách nhiệm nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng mạng xã hội trong việc ngăn chặn và xử lý các hoạt động lừa đảo. 

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị cần có thêm nhiều đội chuyên trách phòng chống tội phạm mạng và tăng cường công cụ điều tra hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với quốc gia nơi các nền tảng mạng xã hội đặt trụ sở chính để ràng buộc pháp lý về bảo mật, an toàn không gian mạng nhằm bảo vệ người dùng.