Nửa thế kỷ hay cả thế kỷ và mãi mãi về sau, Hiệp định Paris năm 1973 vẫn giữ tầm vóc thế kỷ của nghệ thuật hòa đàm thương lượng
Không có cuộc chiến tranh nào trong thế kỷ XX kết thúc khó khăn như chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam với 8 năm (tháng 5-1968 đến 4-1975) để kết thúc toàn bộ cuộc chiến hơn 20 năm (1954-1975). Nhưng khác biệt lớn nhất của cuộc chiến ấy vẫn là kết thúc bằng một hiệp định.
Bản lĩnh trên bàn đàm phán
Sự lựa chọn mở đầu đàm phán Việt - Mỹ ngày 13-5-1968 ở Paris không phải ngẫu nhiên hay vội vàng sau một choáng váng bất ngờ khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân còn đang dang dở. Dù sao sự kiện đó vẫn đánh dấu mốc lịch sử của hai nước Việt Nam và Mỹ kể từ khi người Việt Nam đầu tiên là Trần Trọng Khiêm sang xứ cờ hoa (khoảng năm 1849), lần đầu tiên hội đàm Việt - Mỹ. Đó là cuộc hội đàm cả thế kỷ mới có một lần; kéo dài gần 5 năm (1968-1973), kèm theo cả một chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa (1969-1972); cuối cùng ký kết hiệp định (ngày 27-1-1973) với 23 điều khoản, trong đó quan trọng đầu tiên (Điều 1) là Mỹ "tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận".
Hiệp định Paris nhắc lại Hiệp định Genève, đó không phải là "đi quởn trở lại" sau 21 năm chiến tranh; cũng không phải là việc tính mốc ban đầu để xem có cần thiết phải tiến hành cuộc chiến tranh 21 năm ấy hay không. Điều căn bản có ý nghĩa lịch sử, mang tính chất phương pháp luận là chỉ có ngoại giao đàm phán thương lượng chứ không phải sức mạnh quân sự để kết thúc chiến tranh, dù đó là chiến tranh của một đế quốc giàu mạnh nhất.
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra từ năm 1968 đến năm 1973 là một trong những hội nghị đàm phán hòa bình kéo dài nhất trong thế kỷ XX (Ảnh: TƯ LIỆU)
Đặt vào khuôn khổ cuộc chiến tranh Việt - Mỹ (1954-1975), đây được coi là đàm phán dài nhất, thể hiện rõ nhất bản chất của chiến tranh, có tính điển hình của cách thức hòa đàm thương lượng, trong đó xuyên suốt là nội dung "vừa đánh vừa đàm". Cho đến trước khi ký kết, văn bản hiệp định đã cơ bản được thống nhất, hai bên đàm phán vẫn còn chịu tổn thất lớn trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Mặc dù vậy, cuối cùng vẫn phải kết thúc bằng việc ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh để lập lại hòa bình.
Con đường gần 5 năm đi đến hiệp định ấy quả là khó khăn, phức tạp, thậm chí ác liệt và quanh co, khó lường, nhất là khi có cả một học thuyết hiện đại của đế quốc Mỹ (Học thuyết Nixon) tập trung đề cao sức mạnh của nước Mỹ được áp dụng triệt để cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán. Một bên hay đe dọa, một bên luôn tỏ rõ thiện chí nhưng rất cứng cỏi kiên cường. Sự đối đầu của 2 bên đàm phán chuyển thành đụng độ trên chiến trường; ngược lại, ý chí kiên cường, chiến đấu anh dũng ngoài mặt trận cũng phản ảnh rõ bản lĩnh, lập trường trên bàn đàm phán.
Khát vọng hòa bình
Đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris 1973 phản chiếu so sánh lực lượng hai bên chiến tranh và thế trận trên chiến trường về quân sự; cũng như thực lực hai bên trên mặt trận ngoại giao. Một bên là Mỹ dùng ngoại giao sức mạnh, ngoại giao nước lớn để áp đặt. Một bên là Việt Nam dùng ngoại giao chính nghĩa, thiện chí hòa bình, không có gì quý hơn độc lập tự do để thuyết phục. Nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn đàm phán Việt - Mỹ, đã vươn tới đỉnh cao mới của nghệ thuật đàm phán trong chiến tranh, kết hợp "vừa đánh vừa đàm", kết hợp đàm phán công khai với đàm phán bí mật và những cuộc gặp riêng; lấy kết quả đánh trên chiến trường hai miền Nam - Bắc Việt Nam thúc đẩy đàm phán ở Paris, sử dụng ngay kết quả đàm phán bí mật và gặp riêng để ra đòn tấn công trong hội đàm công khai.
Với phương châm "Dĩ bất biến ứng vạn biến", các nhà ngoại giao Việt Nam trong quá trình hội đàm đã giữ vững lập trường kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình, tạo điều kiện để cho Mỹ rút quân theo lối "mở đường hiếu sinh" của cha ông xưa; buộc các nhà ngoại giao Mỹ phải thừa nhận đây là "cuộc đàm phán cân não".
Với mục đích và nội dung chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 đã mở ra bước ngoặt căn bản để chiến tranh Việt - Mỹ đi hẳn vào giai đoạn cuối cùng. Mỹ rút quân trong danh dự, chấm dứt 18 năm dính líu vào chiến tranh thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; Việt Nam tự giải quyết những vấn đề nội bộ để thực hiện thống nhất Tổ quốc. Ngày 30-4-1975, hàng chục triệu người dân trên cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã sum họp một nhà, non sông thu về một mối, con sông chảy theo vĩ tuyến 17 trở lại đúng tên Hiền Lương xưa...
Nửa thế kỷ hay cả thế kỷ và mãi mãi về sau, Hiệp định Paris năm 1973 vẫn giữ tầm vóc thế kỷ của nghệ thuật hòa đàm thương lượng, vẫn nguyên bài học về sức mạnh tổng hợp một dân tộc ngoan cường, vẫn đậm dấu ấn của một thời Việt Nam có "cả năm châu, chân lý nhìn theo". Từ đó, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình, Việt Nam ký kết thêm nhiều hiệp định với nhiều quốc gia anh em, bạn bè, đối tác láng giềng, khu vực và thế giới, vẫn với niềm tin mãnh liệt vào ý chí và khát vọng hòa bình, độc lập, tự chủ, vẫn vững tinh thần hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Mở đầu cho quan hệ Việt - Mỹ
Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 cũng mang ý nghĩa mở đầu cho quan hệ Việt - Mỹ về sau. Dù 20 năm sau Việt - Mỹ mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995), nhưng chỉ 5 năm sau đó, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000), hơn 10 năm sau đó Mỹ đã dành cho Việt Nam quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (năm 2006) và 17 năm sau hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (năm 2013)…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-1
Đăng thảo luận