Người sáng lập Telegram Pavel Durov. (Ảnh: TechCrunch)
Ngày 27/8, ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin, nói với các phóng viên rằng việc kêu gọi người dùng xóa các tin nhắn nhạy cảm của họ trên ứng dụng này là “hoàn toàn ngu ngốc”.
Ông nói thêm rằng, dù những cáo buộc chống lại Durov là “nghiêm trọng”, nhưng chính quyền Pháp sẽ phải đưa ra bằng chứng “nghiêm trọng tương đương” để chứng minh những cáo buộc đó. Durov sinh ra ở Nga nhưng cũng có quốc tịch Pháp và UAE.
Việc Điện Kremlin trấn an những lo ngại về vụ việc cho thấy tầm quan trọng của Telegram đối với quân đội Nga.
Ngày 26/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết quyết định truy tố Durov “không mang tính chính trị”. Trước nay, các nhà lãnh đạo Pháp thường không nói về các vụ án hình sự để tránh bị cho là can thiệp đến nhánh tư pháp.
Cùng ngày, Văn phòng công tố Paris công bố một loạt cáo buộc chống lại Durov, bao gồm cáo buộc Telegram hỗ trợ hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy và truyền bá nội dung khiêu dâm trẻ em. Các công tố viên cũng cáo buộc Durov từ chối tuân thủ yêu cầu của chính quyền Pháp về việc hỗ trợ ngăn chặn những liên lạc bị coi là bất hợp pháp.
Tại cuộc họp báo ở Mátxcơva ngày 27/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng “Durov bị bắt theo lời khuyên của ai đó và đang bị đe dọa trừng phạt khủng khiếp, với hy vọng bằng cách nào đó có được quyền truy cập mã hóa”.
Với khoảng 950 triệu người dùng, Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới. Ứng dụng này sử dụng kỹ thuật mã hóa đầu cuối mạnh mẽ, ít kiểm duyệt nội dung, cho phép người dùng chia sẻ các tệp tin lớn hơn, video dài hơn và ảnh chất lượng cao hơn nhiều đối thủ cạnh tranh, vì thế nó trở nên cực kỳ phổ biến ở nhiều quốc gia và vùng chiến sự.
Tại Ukraine, Telegram đã trở thành công cụ quan trọng để các quan chức Ukraine chia sẻ thông tin cập nhật về quân sự và cảnh báo các cuộc không kích.
“Nó rất thuận tiện và rất an toàn”, ông Lavrov nói.
Những tính năng đó cũng giúp Telegram trở thành công cụ liên lạc quan trọng của quân đội Nga và các blogger ủng hộ Điện Kremlin.
Một blogger chiến tranh ủng hộ Nga với hơn 780.000 người theo dõi vừa đăng bài cho rằng việc Pháp bắt giữ Durov “về bản chất, người đứng đầu cơ quan truyền thông của lực lượng vũ trang Nga đã bị giam giữ”.
Sự ủng hộ mà Điện Kremlin và các blogger quân sự Nga dành cho Durov là điều đáng chú ý, sau khi doanh nhân công nghệ này từ chối cung cấp cho Mátxcơva dữ liệu người dùng trên mạng xã hội Vkontakte (VK) mà ông lập ra trước đây.
Durov sau đó từ chức giám đốc điều hành của VK và bán cổ phần để thu về hàng triệu đô la. Trụ sở của Telegram hiện đặt tại Dubai.
Cuộc sống kín tiếng của ông chủ Telegram Pavel Durov, người tuyên bố có 100 con 26/08/2024 Nga yêu cầu Pháp giải thích vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram 25/08/2024 Theo CNN Xem nhiềuThế giới
Tổng thống Zelensky nói Ukraine sắp kết thúc xung đột với Nga
Thế giới
Xung đột Nga - Ukraine ngày 23/9: Quân đội Ukraine xâm nhập một khu vực khác trên biên giới Nga
Người lính
Hạm đội Biển Đen Nga điều máy bay Su-30 tập trận
Thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Người lính
Đăng thảo luận