Biển Đỏ là vùng nước duy nhất tiếp giáp kênh đào Suez về phía nam, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giao thương quốc tế.
Trực thăng quân sự của Houthi bay qua tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 20-11 - Ảnh: REUTERS
Tuyến đường biển nhộn nhịp hàng đầu
Biển Đỏ là vùng vịnh thuộc Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Á và châu Phi. Vùng nước này tiếp giáp vịnh Aqaba, vịnh Sinai và vịnh Suez - nơi đặt kênh đào Suez - về phía bắc. Ở phía nam, Biển Đỏ tiếp giáp vịnh Aden và đổ ra Ấn Độ Dương.
Nếu đi từ Ấn Độ Dương qua vịnh Aden, đi hết Biển Đỏ và vượt kênh đào Suez, tàu thuyền sẽ đến được Địa Trung Hải và dễ dàng hướng đến các nước châu Âu.
Với vị trí địa lý chiến lược như vậy, Biển Đỏ giúp tàu thuyền đi từ châu Âu ra Ấn Độ Dương mà không cần vòng qua châu Phi. Điều đó biến vùng nước này trở thành một trong những tuyến đường giao thương nhộn nhịp nhất thế giới.
Theo tạp chí Economist ngày 20-12, có đến 20% lượng container toàn cầu, 10% thương mại đường biển, 8-10% lượng khí tự nhiên và dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển toàn cầu phải đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.
Tuy nhiên, tuyến đường này đang đứng trước nguy cơ bị chặn khi nhóm phiến quân Houthi đến từ Yemen đe dọa tấn công bất kỳ tàu nào qua Biển Đỏ và hướng đến Israel.
Trong tuyên bố được đưa ra ngày 9-12, Houthi nói sẽ chỉ ngừng việc này khi Israel nhượng bộ một số quyền lợi cho người dân Palestine ở Dải Gaza.
Lo ngại nguy hiểm, một loạt công ty phụ trách việc vận chuyển 95% hàng hóa đi qua kênh đào Suez đã tuyên bố tạm ngừng sử dụng tuyến Biển Đỏ, mà chuyển sang tuyến đường vòng qua châu Phi, khiến thời gian vận chuyển hàng từ châu Á sang Bắc Âu tăng từ 31 lên đến 40 ngày.
Nếu tuyến Biển Đỏ không an toàn trở lại, hàng loạt tàu chở hàng trên toàn thế giới sẽ cập bến muộn, việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy là không thể tránh khỏi.
Đề xuất ba bước duy trì tự do hàng hải
Ngày 18-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ trích nhóm phiến quân Houthi hành động liều lĩnh, đồng thời kêu gọi các nước tham gia bảo vệ tuyến đường giao thương trên Biển Đỏ - Ảnh: REUTERS
Thực tế trên yêu cầu sự chung tay giải quyết của không chỉ các quốc gia tiếp giáp Biển Đỏ, mà còn của cả cộng đồng quốc tế.
Mỹ, Anh và Pháp hiện đã có tàu chiến hiện diện trên vùng biển này và đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái (drone) cùng tên lửa của Houthi trong nhiều tuần qua.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này khó duy trì lâu khi số tên lửa đất đối không được các nước phương Tây sử dụng trị giá cao hơn hàng trăm lần các drone giá rẻ của Houthi.
Do đó, tạp chí Economist đề xuất hướng tiếp cận ba bước. Bước thứ nhất là yêu cầu sự hiện diện đông đảo của hải quân các nước tại khu vực Trung Đông.
Tàu chiến phương Tây tụ về Biển Đỏ, răn đe phiến quânĐỌC NGAY
Ngày 18-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập liên quân 10 nước bảo vệ Biển Đỏ. Ngoài Mỹ, liên quân này có sự tham gia của các lực lượng hải quân hùng mạnh như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha...
Tạm thời, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ tàu bè qua lại. Trong thời gian dài, liên quân trên có thể cân nhắc thiết lập một hành lang an toàn nơi các hệ thống phòng không có thể phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công.
Bước thứ hai là lấy ngoại giao làm trọng tâm. Saudi Arabia, một trong những nước tiếp giáp Biển Đỏ lớn nhất, sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Houthi. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến tàn phá Yemen suốt 9 năm qua.
Riyadh có thể đưa vào thỏa thuận này những điều khoản yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công trên biển.
Cuối cùng, trong trường hợp những lựa chọn trên không hiệu quả, các nước có thể cân nhắc việc tấn công Houthi. Cả Houthi và những nước hậu thuẫn lực lượng này đều không mong xung đột khu vực bùng nổ lớn hơn. Do đó, họ có thể sẽ cân nhắc nhượng bộ nếu bị răn đe vừa đủ.
Đăng thảo luận