Nhiều nước châu Á có chính sách thị thực cho nhóm du mục kỹ thuật số vì tin họ sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Châu Á dần trở thành điểm đến hàng đầu cho dân du mục kỹ thuật số, những người vừa đi du lịch vừa làm việc từ xa. Báo cáo của Nomad List vào năm 2023 cho thấy 8/10 điểm đến dành cho dân du mục kỹ thuật số thuộc châu Á. Nhóm du mục kỹ thuật số ngày càng thích các nước châu Á vì chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều thành phố phương Tây. Ví dụ, mức chi tiêu ở Tokyo rẻ hơn 47,9% so với New York; ngoài ra, wifi ổn định và thời tiết tuyệt vời cũng là yếu tố thúc đẩy.

Nhiều nước châu Á đón đầu làn sóng du mục kỹ thuật số bằng những chính sách ưu tiên thị thực. Trong tháng 7, Thái Lan đã công bố chương trình thị thực cho du mục kỹ thuật số với thời gian lưu trú lên đến 180 ngày, hy vọng thúc đẩy nền kinh tế. Chi phí xin thị thực 10.000 baht (hơn 7 triệu đồng) và yêu cầu năng lực tài chính tối thiểu 500.000 baht (hơn 350 triệu đồng).

Indonesia có thị thực làm việc từ xa dành cho các du mục kỹ thuật số với thời gian lưu trú tối đa một năm, yêu cầu thu nhập 60.000 USD mỗi năm (khoảng 1,5 tỷ đồng). Trước đó, vào tháng 6, Indonesia cam kết cải thiện chất lượng Internet toàn quốc và biến Bali thành trung tâm du mục kỹ thuật số thế giới.

Châu Á trải thảm đón khách du mục kỹ thuật số  第1张

Khách du mục kỹ thuật số trong một resort ở Bali. Ảnh: Made Two Travel

Trong tháng 7, loại thị thực mới mang tên "thị thực vàng" cũng được chính quyền nước này đưa ra với thời gian lưu trú lên tới 10 năm. Cá nhân xin thị thực phải đầu tư 2,5-5 triệu USD (khoảng 60-120 tỷ đồng) trong thời gian lưu trú.

Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố loại thị thực dành riêng cho người làm việc từ xa với thu nhập hàng năm ít nhất 10 triệu yen (khoảng 1,6 tỷ đồng). Người nộp đơn phải là công dân hoặc thường trú ở các quốc gia, khu vực có thỏa thuận miễn thị thực với Nhật Bản. Thị thực du mục kỹ thuật số của Nhật Bản cho phép cá nhân làm việc tại nước này tối đa 6 tháng, không được gia hạn.

Cũng trong tháng 7, Đài Loan tuyên bố sắp có chương trình thị thực cho du mục kỹ thuật số với thời hạn lưu trú 6 tháng. Đài Loan muốn thu hút các nhân tài tới làm việc nhưng không hướng đến việc cạnh tranh với các điểm đến khác như Thái Lan, Nhật Bản. Theo đó, những du mục kỹ thuật số sau khi hết hạn thị thực ở Nhật Bản có thể chuyển tới sống ở Đài Loan và làm việc tiếp trong 6 tháng.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có chương trình thị thực du mục kỹ thuật số, được thử nghiệm từ 1/1, cho phép lưu trú một năm và có thể gia hạn thêm một năm. Để sở hữu thị thực này, người nước ngoài phải là nhân viên của một công ty nước ngoài, có thu nhập gấp đôi tổng thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc so với năm trước. Ví dụ, trong năm 2024, mức lương tối thiểu của du mục kỹ thuật số ở Hàn Quốc cần đạt vào khoảng 64.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng).

Theo Citizen Remote, website được điều hành bởi một nhóm du mục kỹ thuật số trên khắp thế giới, Việt Nam là điểm đến tuyệt vời cho dân du mục kỹ thuật số với chi phí sinh hoạt thấp, an toàn, cung cấp wifi miễn phí. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chính sách thị thực riêng cho du mục kỹ thuật số nên sẽ cần xin thị thực du lịch.

Brittany Loeffler, Giám đốc điều hành Nomad Embassy, website hỗ trợ du mục kỹ thuật số xin được thị thực hợp lệ, nói nhóm khách này có tiềm năng lớn trong việc phát triển và hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Họ chi tiêu như khách du lịch nhưng kéo dài trong vài tuần, thậm chí nhiều tháng.

Hoài Anh (Tổng hợp)