Lớn lên trong hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, phụ huynh phải điều trị tâm lý trong bệnh viện, Ngân, 25 tuổi, cũng bị trầm cảm nặng.

Năm 10 tuổi, gia đình Ngân ly tán, cô ở với mẹ, em trai ở với bố. Những cuộc gặp gỡ rồi chia tay với bố và em trai, rồi Ngân xa mẹ, rời Hà Nội để vào TP HCM sống với họ hàng, cảm giác bị cô lập ở lớp, trường mới khiến cô dần buồn bã, ít nói, không muốn tiếp xúc xã hội.

Sự cô đơn khiến Ngân lớn lên với tính cách độc lập, kèm cơ chế phòng vệ né tránh, không muốn gắn kết trong mối quan hệ thân mật. Năm 25 tuổi, khi mối tình sâu sắc tan vỡ, một lần nữa kích hoạt cảm giác cô đơn, mất kết nối trong Ngân. Lần này, như giọt nước tràn ly, cô muốn tự sát.

Cố gắng vực dậy, Ngân đến gặp bác sĩ, cô chia sẻ bố mình từng tham gia chiến tranh, nhiều lần phải điều trị vì sang chấn tâm lý sau thời chiến. Điều đó dẫn đến việc bố mẹ cô thường xuyên cãi vã vì chưa có kiến thức giao tiếp để hóa giải mâu thuẫn trong hôn nhân, thiếu kiến thức và nguồn lực để chăm sóc cho con cái về mặt tinh thần. Từ đó gây nên đổ vỡ, xa cách và đứt gãy sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, dù họ rất thương yêu nhau.

Ngân được chẩn đoán trầm cảm nặng, nguyên nhân đến từ những sang chấn tuổi thơ, phải điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. "Những tổn thương tâm lý này như vòng lặp có tính chuyển dịch tiếp tục từ thế hệ này đến thế hệ tiếp, gây nên vấn đề sức khỏe tinh thần", bác sĩ nói.

Một nữ sinh khác 13 tuổi, được cấp cứu tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, do uống thuốc giảm đau liều cao. Chia sẻ với bác sĩ sau khi được cứu sống, bệnh nhi cho biết dự định theo nghề thợ xăm sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, nhưng bố mẹ cho rằng "phải học đại học mới có tương lai" và kiên quyết phản đối. Sau mỗi lần cãi nhau với hai bậc phụ huynh, em buồn chán, nhiều lần đóng cửa thu mình trong phòng, giày vò bản thân, có lần rạch tay.

Trẻ chia sẻ với bác sĩ rằng bố mẹ không hiểu nguyện vọng nghiêm túc của con, đồng thời nỗi lo không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ rằng "phải trở thành ông nọ bà kia" khiến em nảy sinh ý nghĩ tiêu cực.

Trò chuyện cùng phụ huynh, bác sĩ nhận ra cả hai người đều lớn lên và được nuôi dưỡng bởi những ông bố, bà mẹ gia trưởng. Bản thân họ đã quen với phong cách giáo dục áp đặt, hà khắc và chịu nhiều tổn thương tinh thần từ lối nuôi dạy này. Giờ đây, họ tiếp tục áp dụng với con cái một cách vô thức.

Bệnh nhi may mắn được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng lâu dài.

Chấn thương tâm lý di truyền qua các thế hệ  第1张

Minh họa người phụ nữ gặp vấn đề tâm lý. Ảnh: Pexels

Theo Mark Wolynn, tác giả sách Nỗi đau này không thuộc về bạn, sang chấn liên thế hệ - Intergenerational Trauma - là thuật ngữ chỉ nỗi đau của người này được chuyển tiếp sang các thế hệ sau. Dựa trên những thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh, tâm lý hậu sang chấn và những trải nghiệm cá nhân, Wolynn cho rằng mỗi người có khả năng di truyền những tổn thương tâm lý từ thế hệ trước. Gia đình là "cái nôi" của sự trưởng thành về mặt nhận thức và tâm lý của mỗi người. Do đó, những biến cố trong quá khứ của bố mẹ, ông bà, có thể ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến các thế hệ sau.

Tương tự, thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos cũng nhận định gia đình, đặc biệt là người chăm sóc đầu đời là tấm gương soi giúp trẻ học tập hầu hết kỹ năng, cảm xúc, cách thức ứng phó... Vì vậy, sang chấn tâm lý dù được truyền từ thế hệ đi trước nào, ít nhiều cũng để lại những "di sản" cho thế hệ sau.

Đặc biệt, khi nhiều thế hệ cùng bị sang chấn tâm lý, hậu quả có thể rất nghiêm trọng và lâu dài. Sang chấn tâm lý truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể tạo ra một chuỗi phản ứng cảm xúc và hành vi không lành mạnh. Trẻ em trong những gia đình này thường bị ảnh hưởng bởi môi trường không ổn định và thiếu sự hỗ trợ cảm xúc, dẫn đến nguy cơ cao mắc các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, và thậm chí loạn thần. Những vấn đề này có thể làm suy giảm khả năng xây dựng mối quan hệ lành mạnh và khả năng phát triển sự tự tin của trẻ.

"Sang chấn đa thế hệ có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe tâm thần của một cá nhân từ nền tảng nhân cách, cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, mối quan hệ...", thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.

Nghiên cứu do giáo sư Jonathan Flint của Đại học Oxford (Anh) cùng nhiều nhà khoa học ở Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) và Trung Quốc thực hiện trên 10.500 phụ nữ Trung Quốc cũng chỉ ra, những người có người thân (ông bà, cha mẹ, anh chị em) từng bị trầm cảm đối mặt nguy cơ cao gấp 3 lần người bình thường.

Trong khi đó, nghiên cứu bởi tiến sĩ Gerald Haeffel và Jennifer Hames, Đại học Notre Dame ở Indiana, kết luận một người khi bị trầm cảm có thể lây lan tới những người xung quanh. Các chuyên gia lý giải rằng, khi bạn dành nhiều thời gian với một người có thái độ sống tiêu cực, bi quan thì nhận thức, suy nghĩ của họ cũng ảnh hưởng đến nhận thức của bạn. Theo thời gian, bạn cũng dễ bị tổn thương và trầm cảm hơn.

Chấn thương tâm lý di truyền qua các thế hệ  第2张

Ảnh minh họa một bệnh nhân ngồi co ro trên mặt đất trong một vòng tròn ánh sáng khi một đám đông nhìn từ trong bóng tối. Ảnh: NYtimes

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cũng nhận định bệnh tâm lý tâm thần một phần do yếu tố di truyền, hoặc do tác động môi trường. Như vậy, việc nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh có thể xảy ra. Bên cạnh đó, trong gia đình có người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần, người nhà bị tiếp nhận nguồn năng lượng tiêu cực, luôn trong trạng thái căng thẳng.

Các trường hợp sang chấn liên thế hệ có thể được cải thiện bằng giải pháp gia đình trị liệu - hình thức tư vấn tâm lý giúp các thành viên cải thiện giao tiếp và giải quyết xung đột. Bác sĩ tâm thần cùng chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ vấn đề mà các thành viên gặp phải, điều trị thông qua thuốc, tư vấn hoặc tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương pháp trị liệu gia đình phức tạp, khó thành một mô hình dịch vụ bài bản. Hơn nữa, nhiều gia đình không đủ nguồn lực để chi trả.

Do đó, các bác sĩ khuyên các thành viên cần ưu tiên sức khỏe tâm thần của mình, trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ người trong gia đình. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng trầm cảm, hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để được đánh giá, phát hiện sớm và được hỗ trợ kịp thời.

Đồng quan điểm, theo thạc sĩ Thiện, để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của sang chấn tâm lý hoặc trầm cảm ở người lớn đến trẻ, trước tiên, người lớn nên điều trị hiệu quả tình trạng của bản thân. Mỗi cá nhân trong hệ thống gia đình nên cố gắng, nỗ lực chung tay điều chỉnh để tạo ra một môi trường gia đình ổn định và an toàn hơn qua từng ngày. Từ đó, trẻ có thể cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng.

Việc duy trì giao tiếp mở và khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tích cực cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức về quản lý cảm xúc và tìm sự hỗ trợ từ mạng lưới xã hội có thể giúp giảm bớt áp lực và tạo ra một hệ thống hỗ trợ vững chắc cho cả gia đình.

Thúy Quỳnh - Mỹ Ý

*Tên nhân vật đã được thay đổi