Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng Nhà nước nên "mở hơn nữa" trong truyền tải điện và chỉ độc quyền với đầu tư hệ thống cao áp, siêu cao áp.

So với quy định hiện hành, nhiều chính sách của Nhà nước về phát triển điện tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã "mở" hơn. Cụ thể, Điều 5 dự thảo luật quy định xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý và xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, việc thu hút vốn xã hội hóa, vận hành trong khâu truyền tải điện phải đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nhà nước giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện; các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng (trừ lưới đấu nối nguồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành).

Góp ý tại phiên thảo luận chiều 19/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bỏ độc quyền Nhà nước trong phát triển nguồn, lưới điện là cần thiết. Nhưng ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận chỉ "nên độc quyền tới mức độ nào để huy động nguồn lực xã hội hóa".

Ông Thanh đề xuất ở khâu truyền tải điện, Nhà nước nên độc quyền theo cấp điện áp. Tức là, chỉ giữ độc quyền hệ thống truyền tải điện trên 35 kV (cao áp, siêu cao áp). Còn cấp điện áp dưới 35 kV tại các địa bàn, khu vực không vướng quốc phòng an ninh, nên cho tư nhân đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nhà nước chỉ nên độc quyền 'mức độ nào đó' về truyền tải điện  第1张

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đứng lên phát biểu tại phiên thảo luận chiều 19/8. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội, cho rằng cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, phân loại độc quyền theo các khâu, đoạn của truyền tải điện. Việc này nhằm phát huy xã hội hóa trong đầu tư, dần tiến tới lộ trình thực hiện giá điện theo thị trường. "Khâu đầu tư cho xã hội hóa, nhưng vận hành truyền tải điện vẫn "đóng", tức là đầu tư xong không biết truyền tải điện đi đâu, dẫn tới khó khả thi khi thực hiện", bà nói.

Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội nhận xét một số chính sách Nhà nước về phát triển điện còn chung chung, không rõ nội hàm sẽ gây khó khăn trong thực hiện. Chẳng hạn, quy định xây dựng chiến lược mua bán điện dài hạn với nước ngoài; ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp khả năng an toàn hệ thống điện; hay khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, trên mặt nước, khai thác tối đa nguồn điện đồng phát... Bà đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ các chính sách để đảm bảo khả thi, huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư.

Thẩm tra trước đó, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường, cho biết cơ quan này nhất trí việc bổ sung các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực. Nhưng có ý kiến cho rằng, quy định Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp là quá rộng. Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, nhu cầu sử dụng điện lại cao, cần có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư ở những hoạt động mà không bắt buộc Nhà nước phải độc quyền. Việc quy định quá rộng các hoạt động mà Nhà nước độc quyền sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn các chính sách để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, nhất là việc xóa bù chéo giá điện và phát triển nhân lực, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, để có bản thảo chất lượng tốt nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.