Cây cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị, cây nhỏ đường kính dưới 25 cm bị gãy đổ sẽ được đánh giá để trồng lại tại chỗ hoặc đưa về vườn ươm chăm sóc.

Trong văn bản khắc phục hậu quả bão Yagi chiều 8/9, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để giải tỏa cây đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Trước mắt các lực lượng phải giải tỏa ngay cây gãy đổ trên các tuyến đường phố chính của Thủ đô, xong trước ngày 12/9; sau đó sẽ tiếp tục thu dọn cây đổ, cành cây gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh thu hồi củi gỗ theo quy định.

"Đối với cây xanh cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra đánh giá và chống dựng, trồng lại ngay, đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc, trồng vào vị trí phù hợp trên địa bàn. Công việc này hoàn thành trước ngày 15/9", văn bản nêu.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cứu cây xanh gãy đổ  第1张

Cây sấu lớn trước cửa Bưu điện Hà Nội bật gốc đổ nghiêng về phía tháp Hòa Phong. Ảnh: Ngọc Thành

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng yêu cầu trồng lại các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25 cm bị gãy đổ. Trước khi trồng lại, phải cắt cành, tán đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định.

Ông lưu ý với những cây đổ ra đường sau khi cắt tỉa phải di chuyển lên hè phố, dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại. Việc trồng lại các cây xanh nêu trên xong trước ngày 20/9. Với những cây do các quận, huyện thị xã quản lý, việc trồng lại tại chỗ cây đổ hoàn thành trước 30/9.

Với những cây gãy đổ không thể trồng lại, củi gỗ thu hồi được đưa về vườn ươm Yên Sở, vườn ươm Cổ Nhuế, bãi tập kết tại dốc La Pho, công viên Tuổi trẻ, sau đó thanh lý. Sở Xây dựng được giao chủ trì xây dựng kế hoạch trồng lại những cây xanh gãy đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cứu cây xanh gãy đổ  第2张

Cây đa cổ thụ ở Vườn hoa Lý Thái Tổ gãy gốc, đổ về phía đường Lê Lai kéo theo cột điện cao áp bên cạnh. Ảnh: Ngọc Thành

Chủ trương dựng lại cây xanh gãy đổ cũng được Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nêu tại buổi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão Yagi tại quận Nam Từ Liêm và huyện Thanh Oai sáng 8/9. Bà Hoài yêu cầu "cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc. Bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ vì trồng được một cây không dễ, mất rất nhiều thời gian".

Hà Nội hiện có khoảng 142.000 cây xanh đô thị do thành phố quản lý. Bão Yagi làm khoảng 17.000 cây gãy đổ trên toàn thành phố, trong đó khoảng 2.000 cây xanh đô thị. Đến nay cơ quan quản lý chưa thông tin phân loại cây đã gãy đổ như cây di sản, cây quý hiếm, cây có đường kính nhỏ...

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng do bão Yagi. Từ 6/9 đến ngày 8/9, thành phố ghi nhận 3 người chết, 10 người bị thương; 13 ôtô và 6 xe máy hư hại; 9 nhà dân bị tốc mái; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập nước.

Võ Hải