Chủ tịch Quốc hội nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ngành kiểm toán kiến nghị xử lý về tài chính trên 740.000 tỷ đồng

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán Nhà nước và đón Huân chương Lao động hạng nhất ngày 11/7, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết trên thế giới, kiểm toán đã có lịch sử phát triển.

"Nhưng ở nước ta, khi thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì kiểm toán mới trở thành một trong những yêu cầu giúp hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", đại diện ngành kiểm toán nói.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập (1994) đến nay là 30 năm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740.000 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị này đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.

Cơ quan này đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...

Chủ tịch Quốc hội nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước  第1张

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước sáng 11/7 (Ảnh: BTC).

Ông Ngô Văn Tuấn nhắc lại chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 của đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng, nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ông Tuấn nêu 3 vấn đề lớn của ngành kiểm toán thời gian tới: Hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề mới nổi (dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống…). Theo đại diện ngành kiểm toán, những vấn đề này ẩn chứa nhiều thách thức và cơ hội đan xen.

Ông Tuấn nói toàn ngành sẽ xây dựng Kiểm toán Nhà nước thành cơ quan kiểm tra tài chính công chuyên nghiệp, hiện đại, uy tín và trách nhiệm; xứng đáng hơn nữa với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

5 nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu từ khi thành lập, các hoạt động kiểm toán đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách, ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm.

"Hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", ông Mẫn nói về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Theo ông Mẫn, thông qua hoạt động kiểm toán, đã phát hiện những bất cập trong quy định, chính sách, có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách về tài chính công, tài sản công. Đồng thời qua kiểm toán, hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước  第2张

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội, phát biểu chúc mừng Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: BTC).

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của ngành.

Thứ nhất, nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ đạo quản lý, điều hành của Chính phủ về ngân sách Nhà nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; lựa chọn và tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Thứ hai, tiếp tục củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát Luật Kiểm toán nhà nước để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tổ chức và hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại.

Thứ tư, tiếp tục quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp; củng cố, xây dựng toàn ngành Kiểm toán đoàn kết, vững mạnh toàn diện.

Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước; củng cố ngày càng vững chắc vị thế, uy tín của kiểm toán trong hệ thống các cơ quan nhà nước Việt Nam và trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế.