Doanh nghiệp và các đơn vị giáo dục nên kết hợp, đào tạo kỹ năng làm chủ AI cho sinh viên, từ đó, giảm nỗi lo về việc công nghệ này thay thế con người.
AI đang thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng trong cách con người làm việc, từ đó, xuất hiện nhiều lo lắng xoay quanh tác động của công nghệ này đối với việc làm. Việc phát minh ra động cơ hơi nước đại diện cho một sự chuyển đổi tương tự, định hình lại các nền kinh tế, sinh ra các thị trường mới và rất nhiều cơ hội việc làm. Tương tự, những bước nhảy vọt công nghệ khác cũng lần lượt thay thế các bộ kỹ năng lỗi thời, để tạo ra những yêu cầu mới thay thế.
Tuy nhiên, nếu lịch sử đóng vai trò là hướng dẫn của con người, AI giống như động cơ hơi nước trước đó, không có khả năng báo hiệu sự kết thúc của công việc. Thay vào đó, công nghệ này sẽ báo trước một sự thay đổi trong các kỹ năng mà người lao động cần phát triển mạnh trong tương lai.
Báo cáo Tương lai Việc làm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023 đã làm sáng tỏ bản chất kép của tác động của AI. Tức, ước tính đến năm 2025, trong khi 83 triệu việc làm có thể bị thay thế bởi tự động hóa, 69 triệu vai trò mới sẽ xuất hiện, phản ánh sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người, máy móc và thuật toán. Quá trình thay đổi mô hình này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển hơn là giảm lực lượng lao động.
Đóng góp của AI cho thị trường việc làm còn vượt ra ngoài phạm vi công nghệ, thúc đẩy nhiều ngành nghề mới đòi hỏi một loạt kỹ năng và chuyên môn mới. Theo Báo cáo việc làm mới nổi năm 2020 của LinkedIn, nhu cầu về chuyên gia AI đã tăng cao, với danh sách việc làm tăng 74% hàng năm. Các vai trò như kỹ sư máy học, nhà khoa học dữ liệu và nhà nghiên cứu AI đang có nhu cầu cao, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo trên các lĩnh vực kinh doanh.
Thu hẹp khoảng cách kỹ năng
Công nghệ AI và tự động hóa phát triển, đồng thời, làm "lộ ra" khoảng cách đáng kể về kỹ năng trong lực lượng lao động hiện tại. Báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey về tương lai việc làm nêu bật sự chênh lệch này, chỉ ra nhu cầu cấp thiết là đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân sự để phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm đang phát triển.
Nhận thức khoảng cách nàyg, các công ty như Microsoft đã khởi xướng chương trình kỹ năng toàn cầu, mang năng lực kỹ thuật số đến với hàng triệu người. Những sáng kiến này đóng vai trò là mô hình về cách các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi lực lượng lao động. Tuy nhiên, để đáp ứng quy mô của thách thức, thị trường cần có sự hợp tác rộng rãi hơn.
Song song, các doanh nghiệp cần mở rộng phạm vi đào tạo lại kỹ năng. Những nỗ lực chuẩn bị lực lượng lao động phải vượt xa các sáng kiến hiện tại. Theo phân tích của PwC, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể tăng thêm gần một triệu việc làm nhờ những tiến bộ của AI. Sự xuất hiện của các vị trí do trí tuệ nhân tạo điều khiển trong sản xuất và hậu cần như những vị trí chuyên về robot hay bảo trì dự đoán... đang càng minh chứng cho tiềm năng tạo việc làm rộng lớn của công nghệ này.
Chấp nhận văn hóa học tập suốt đời
Trong thời đại AI, việc học không còn bị giới hạn trong những năm đầu đời. Học tập suốt đời phải trở thành một chuẩn mực văn hóa. Trong đó, các cá nhân phải chịu trách nhiệm về sự phát triển nghề nghiệp của mình. Khi AI tiếp tục phát triển, cách tiếp cận giáo dục và tiếp thu kỹ năng của con người cũng phải như vậy.
Học tập suốt đời, đặc biệt là các kỹ năng số, là yêu cầu không thể thiếu trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Pexels
Tích hợp kiến thức AI giữa các ngành
Để giải quyết khoảng cách về kỹ năng, các tổ chức giáo dục cũng cần tích hợp kiến thức về AI vào chương trình giảng dạy. Sự tích hợp này không chỉ giới hạn ở các khoa khoa học máy tính, mà còn trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chuẩn bị một thế hệ lao động mới thành thạo trong việc cộng tác với AI trong các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, giáo dục đóng vai trò như một "liều thuốc giải độc" mạnh mẽ cho nỗi sợ hãi và e ngại thường gắn liền với các công nghệ mới, bao gồm cả AI. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác và thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức hoạt động, các sáng kiến giáo dục có thể giúp làm sáng tỏ công nghệ phức tạp này và giảm bớt mối lo ngại về tác động tiềm ẩn của nó đối với việc làm, quyền riêng tư và xã hội nói chung.
Thông qua các chương trình giáo dục có mục tiêu và nỗ lực tiếp cận cộng đồng, các cá nhân có thể tích lũy kiến thức và sự tự tin cần thiết để điều hướng bối cảnh AI dễ dàng và tự tin hơn.
Vai trò của doanh nghiệp và cơ sở giáo dục
Các doanh nghiệp cần đóng vai trò tích cực trong việc phát triển nhân viên, mang đến cơ hội học tập liên tục phù hợp với nhu cầu dự kiến của nơi làm việc được tăng cường AI. Các tổ chức giáo dục cũng có thể hợp tác với các nhà lãnh đạo trong ngành để phát triển chương trình đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng đảm nhận các vai trò do AI tạo ra.
Bên cạnh đó, chính sách đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối lực lượng lao động sẵn sàng cho việc tạo việc làm bằng AI. Chính phủ có thể xem xét các biện pháp khuyến khích công ty đầu tư vào đào tạo và phát triển công nhân; hay hỗ trợ việc học nghề và thực tập, cho phép người lao động có được kinh nghiệm thực hành với công nghệ AI.
Thách thức trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho một tương lai do AI điều khiển không phải là trách nhiệm của một thực thể đơn lẻ. Quá trình này đòi hỏi một cách tiếp cận tập thể kết hợp nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục. Sự hợp tác như vậy đảm bảo rằng người lao động không chỉ được chuẩn bị cho công việc trong tương lai, mà còn được trang bị khả năng đổi mới và thích ứng với những tiến bộ công nghệ trong tương lai.
Nhật Lệ (theo Forbes)
Đăng thảo luận