Cán bộ bị tố làm lộ thông tin CIC của 2 cá nhân: Ngân hàng vẫn im lặng

(Dân trí) - Dù liên tục cảnh báo đến khách hàng về tính bảo mật thông tin, Nam A Bank lại giữ im lặng, chưa có phản hồi về vụ việc 2 cá nhân tố cán bộ ngân hàng làm lộ thông tin tín dụng.

Theo đơn phản ánh đến báo Dân trí, ông P.T.C và bà P.T.Y.N (cùng ở TPHCM) thông tin về việc 2 cá nhân này bị một cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán: NAB) làm lọt, lộ thông tin tín dụng quốc gia (CIC) dù 2 cá nhân này không phải là khách hàng của Nam A Bank. 

Phóng viên Dân trí đã liên hệ với đại diện Nam A Bank để làm rõ thông tin vụ việc từ ngày 18/6. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn một tháng trôi qua, phía ngân hàng vẫn giữ im lặng, chưa có thông tin phản hồi, xác minh làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, trên website, từ đầu năm tới nay, Nam A Bank lại liên tục có cảnh báo đến khách hàng về việc cảnh giác thủ đoạn lừa đảo, mạo danh, đánh cắp thông tin khách hàng.

Cán bộ bị tố làm lộ thông tin CIC của 2 cá nhân: Ngân hàng vẫn im lặng  第1张

Hơn một tháng trôi qua, Nam A Bank vẫn không có phản hồi về vụ việc 2 khách hàng tố cán bộ ngân hàng làm lộ thông tin CIC (Ảnh: Nam A Bank).

PGS TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cho biết việc tra thông tin CIC tại ngân hàng là hoạt động phổ biến. Chính điều này cũng được coi là một trong những điều kiện để xuất hiện lỗ hổng về mặt bảo mật thông tin khách hàng.

Trong hoạt động ngân hàng, ông Huân cho biết không chỉ các lãnh đạo mà ngay cả nhân viên tín dụng ngân hàng cũng có tài khoản và quyền tra cứu thông tin CIC nếu được cung cấp số căn cước công dân. 

Nhưng về nguyên tắc, khi tra cứu thông tin tín dụng cá nhân, phía ngân hàng phải có sự đồng ý của người đó, vì đó là thông tin cá nhân. Tại một số đơn vị, tính bảo mật thông tin chưa được đề cao, ông Huân đánh giá.

Về các vụ việc vi phạm quyền riêng tư, ông Huân thông tin thêm rằng ngay cả Facebook cũng từng mất đến hàng tỷ USD khi bị kiện về tính bảo mật thông tin khách hàng, Google cũng không ít lần bị kiện.

Để cải thiện tình trạng trên, theo ông, sắp tới cần có hình thức xác nhận, cho phép của cá nhân thì CIC mới được quyền xuất thông tin tín dụng cho các đơn vị, cá nhân thứ ba. Theo đó, hình thức xác nhận, đồng ý tra cứu thông tin cũng cần được quy định rõ là bằng văn bản, hay bằng hình thức nào khác.

Trong đơn phản ánh đến báo Dân trí, ông C. và bà N. cho biết, ông Trương Quốc Vương, Phó giám đốc một chi nhánh của Nam A Bank tại TPHCM, đã thực hiện tra cứu thông tin CIC của ông C. và bà N., bao gồm các nội dung tra cứu về lịch sử tín dụng, tài sản đảm bảo liên quan... theo đề nghị của ông T.M.T (một khách hàng của Nam A Bank, có liên quan đến ông C. và bà N.).

Vào ngày 28/5, ông T.M.T có đến chi nhánh ngân hàng gặp ông Vương để đề nghị tra cứu thông tin CIC của ông C. và bà N. Tại phòng làm việc của vị phó giám đốc chi nhánh, ông T. cung cấp bản sao căn cước công dân của ông C., bà N. và nhờ ông Vương tiến hành tra cứu. 

Sau khi có kết quả CIC, ông Vương in ra và để trên bàn. Lúc này, ông Vương có điện thoại nên ra ngoài nghe khoảng 15 phút. Khi quay trở lại, ông có nhìn thấy ông T. đang xem tờ in CIC của ông C. và bà N. Ông T. có ngỏ ý xin bản in CIC này nhưng ông Vương từ chối.

Ông Vương cho rằng việc tra cứu thông tin CIC là theo quy định Thông tư 03 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước về quy định hoạt động thông tin tín dụng.

Trong khi đó, theo thông tin trong đơn phản ánh, ông C. và bà N. cho biết họ không phải là khách hàng của Nam A Bank, cũng chưa từng có bất kỳ liên hệ hay nhu cầu quan hệ giao dịch tín dụng với ngân hàng này.

Do đó, 2 cá nhân này cho rằng việc Nam A Bank trích xuất thông tin CIC cá nhân và cung cấp tiết lộ cho người không liên quan là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật liên quan.