Cơ quan an ninh điều tra xác định cựu phó phòng vận tải hàng không Vũ Hồng Quang thỏa thuận, đưa hối lộ cho cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên gần 7,5 tỉ đồng để có văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.
Cựu phó phòng vận tải hàng không Vũ Hồng Quang - Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2.
Ngoài hành vi nhận hối lộ, Cơ quan an ninh điều tra cũng làm rõ hành vi đưa hối lộ của nhiều bị can trong vụ án.
Trong đó, Cơ quan an ninh điều tra đề nghị truy tố ông Vũ Hồng Quang (cựu phó phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), Nguyễn Mạnh Cương (cựu trưởng phòng thương mại điện tử, Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet) và 8 người khác cùng về tội đưa hối lộ.
Cựu phó phòng vận tải hàng không đưa hối lộ gần 7,5 tỉ, hưởng lợi gần 20 tỉ
Kết luận điều tra thể hiện tháng 9-2020, ông Vũ Hồng Quang đã liên hệ, trao đổi nhờ Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, bị can giai đoạn 1 vụ án) giúp để có được văn bản chấp thuận cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.
Cựu thư ký Phạm Trung Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.
Ông Quang trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) biết việc Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí 2.000 - 3.000 USD/công dân.
Sau đó ông Cương, Dũng trao đổi với các giám đốc doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đưa người về nước tránh COVID-19, yêu cầu tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu. Song chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân so với chi phí Quang yêu cầu để hưởng lợi.
Tháng 1-2021, Trần Thanh Nhã (lao động tự do) liên hệ nhờ Phạm Trung Kiên giúp để cho công dân được về nước trên chuyến bay đơn lẻ, với chi phí 10 đến 15 triệu đồng/công dân.
Trần Thanh Nhã đã trao đổi với Đặng Nhật Đức (giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) biết việc Nhã có thể xin được văn bản cấp phép, với mức phí từ 10 triệu đến 35 triệu đồng/công dân...
Đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2
Cựu phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nhận hối lộ tại phòng làm việc, nhà riêng, quán ăn
Sau khi thỏa thuận như trên và nhận được thông tin công dân có nhu cầu về nước từ Quang, Nhã, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo duyệt, ký văn bản theo quy trình của Bộ Y tế.
Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, Cơ quan an ninh điều tra xác định Vũ Hồng Quang đã thỏa thuận, đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên số tiền gần 7,5 tỉ đồng.
Trong khi đó, Nguyễn Mạnh Cương đã chuyển gần 3,9 tỉ đồng cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước. Qua đó, cựu trưởng phòng thương mại điện tử Vietjet hưởng lợi hơn 2 tỉ đồng...
Ngoài ra, nhiều bị can khác là giám đốc các doanh nghiệp có dịch vụ đưa công dân về nước trên các "chuyến bay giải cứu" cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên.
Hành vi nhận hối lộ tổng cộng hơn 14,8 tỉ đồng của Phạm Trung Kiên đã bị truy tố, xét xử trong vụ án ở giai đoạn 1 nên không xem xét, xử lý trong vụ án này.
Cựu cán bộ công an bị cáo buộc che giấu tội phạm
Trong giai đoạn 2 của vụ án, Cơ quan an ninh điều tra cũng làm rõ hành vi che giấu tội phạm của bị can Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an.
Kết luận điều tra thể hiện Thông quen biết Trần Minh Tuấn (bị can giai đoạn 1 vụ án), và từ năm 2021 hai người thường trao đổi với nhau về việc Tuấn thực hiện các chuyến bay giải cứu.
Từ tháng 6-2022, Tuấn bắt đầu bị điều tra nên liên hệ, trao đổi với Nguyễn Xuân Thông để tìm cách "giúp đỡ".
Cơ quan điều tra cáo buộc cuối tháng 7-2022, Nguyễn Xuân Thông gặp Tuấn tại một quán ăn gần trụ sở Bộ Công an để tư vấn, hướng dẫn cho Tuấn khai báo với cơ quan điều tra theo hướng có lợi.
Tại đây, Tuấn cho biết đã nhận hơn 10 tỉ đồng của Phạm Bích Hằng, giám đốc Công ty Du lịch quốc tế, để đi đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền và chi phí trong việc xin thủ tục tổ chức chuyến bay cho một số doanh nghiệp của Hằng.
Bị can Thông đã hướng dẫn Tuấn không được khai với cơ quan điều tra về số tiền Tuấn đã nhận của Hằng để đi đưa hối lộ, cần khai gian dối rằng số tiền này Tuấn đã trả lại hết cho Hằng bằng tiền mặt. Những nội dung khác thì cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau.
Ngày 3-8-2022, Trần Minh Tuấn đến Cơ quan an ninh điều tra làm việc, khai báo nội dung gian dối như đã được hướng dẫn.
Sau đó, Trần Minh Tuấn bỏ trốn vào Thừa Thiên Huế và bị bắt tại đây.
Cơ quan an ninh điều tra cáo buộc bị can Nguyễn Xuân Thông biết Trần Minh Tuấn có hành vi đưa hối lộ mà vẫn hướng dẫn Tuấn khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội.
"Hành vi của Thông đã gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra, xử lý vụ án của cơ quan điều tra, cũng như cản trở việc điều tra mở rộng vụ án", Cơ quan an ninh điều tra đánh giá.
Đăng thảo luận