Đại diện công đoàn đề xuất giá nhà cho công nhân có thể tiếp cận không quá 600 triệu đồng/căn.

Giá nhà phải dưới 12 triệu đồng/m² thì công nhân mới có cơ hội an cư  第1张

Ông Nguyễn Hồng Quang - phó chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng - Ảnh: HÀ QUÂN

Ngày 22-8, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phối hợp với Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Hội thảo vấn đề nhà ở cho công nhân lao động di cư - thực trạng và giải pháp.

Công nhân mất 20-30 năm mới mua được nhà

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - phó chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố có 14 khu công nghiệp đã hoạt động với khoảng 196.000 công nhân, trong đó gần 32% là công nhân ngoại tỉnh.

Số công nhân thuê trọ hơn 13%, khoảng 25.800 người, bình quân thu nhập khoảng 11,8 triệu đồng/tháng.

Sau khi trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, số tiền công nhân trực tiếp sản xuất (khoảng 80%) thực nhận khoảng 8,4 triệu đồng/tháng. Nếu công nhân không làm thêm giờ, thì số tiền thực nhận khoảng 6,8 triệu đồng/tháng.

Giá thuê trọ tại Hải Phòng có nhiều phân khúc, từ 500.000-700.000 đồng/tháng (nhà trọ cũ, giá rẻ) hoặc 1,5-1,8 triệu đồng/tháng (có điều hòa, phòng mới).

Sau khi trừ chi tiêu, một công nhân không làm thêm giờ, chỉ tiết kiệm được 445.000 đồng/năm. Nếu làm thêm giờ, số tích lũy được 19,8 triệu đồng/năm.

Qua khảo sát vừa qua của ban, chủ yếu có hai nhóm muốn mua nhà, diện tích 45m² và 60m², giá bán 500-660 triệu đồng/căn.

Nhiều công nhân nói tích lũy 15 triệu đồng/năm, hai vợ chồng 30 triệu đồng/năm, thì khoảng 20-30 năm mới mua được căn nhà trị giá 600 triệu đồng.

“Tốt nhất giá nhà không quá 10-12 triệu đồng/m² hoặc không quá 600 triệu đồng/căn”, ông Quang đề xuất.

  • Xây nhà ở cho công nhân thuê là "thượng sách"

  • Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận lỗi vì chậm triển khai nhà ở cho công nhân

  • Nhà ở công đoàn, nơi công nhân an cư

Hiện Hải Phòng có 5 dự án được duyệt giá, tổng số trên 9.600 căn và mở bán hơn 2.700 căn.

Đa số từ 16-19 triệu đồng/m², đây là mức giá cao so với thu nhập của công nhân lao động.

“Nếu được, chúng tôi mong giảm giá nhà hoặc cơ chế lãi suất thấp, hoặc thậm chí bằng 0 để công nhân mua được nhà ở”, ông nói.

Còn bà Nguyễn Thị Minh, phó chủ tịch công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, bày tỏ nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn.

Tuy vậy, nếu nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội tại ngân hàng chính sách tăng lên là 6,6% thay vì 4,8% như trước, gây khó cho cán bộ công đoàn khi tư vấn cho người lao động vì chính sách thay đổi, khiến mục tiêu hết đời công nhân có căn nhà rất khó.

Bà cho rằng để hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, cần có sự tham gia vào cuộc rõ ràng hơn của từng địa phương, ban ngành, có thể giao nhiệm vụ, chỉ tiêu.

Trước mắt, công đoàn sẽ khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho công nhân, song phụ thuộc lỗ lãi của đơn vị.

Giá nhà phải dưới 12 triệu đồng/m² thì công nhân mới có cơ hội an cư  第2张

Các chuyên gia góp ý nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân - Ảnh: HÀ QUÂN

Nhà nước phải dành "bầu sữa" hỗ trợ xây nhà công nhân

Ông Lâm Ngọc Mẫn - đại diện Công đoàn TP.HCM - bày tỏ thiếu nhà ở là một trong những nguyên nhân khiến lao động không mặn mà ở lại thành phố, xu hướng về quê hoặc làm nghề khác như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online.

Do vậy, chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM đã đề xuất các quận huyện quan tâm quy hoạch, đầu tư nhà ở xã hội, cùng công đoàn chăm lo nhà ở cho công nhân…

KTS Lê Thị Thúy Hà, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, gợi ý mô hình nhà mô đun gắn với cuộc đời của người công nhân.

Ví dụ, công nhân đi làm ở khu công nghiệp từ rất trẻ chừng 18 - 19 tuổi, rồi họ lập gia đình, sinh con, sống cùng cha mẹ từ quê lên. Như vậy nhà ở linh hoạt, thích ứng, mở rộng theo thời gian có thể là giải pháp cho lao động thu nhập thấp.

TS Phạm Văn Khánh - trưởng ban kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam - chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc nhiều năm liền nước này dành nguồn lực từ nhà nước để hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp.

Giải pháp là lãi suất thấp, vay có bảo lãnh, tài trợ vốn, giảm thuế cho nhà cung cấp, cung cấp nhà thuê công cộng, quỹ hỗ trợ cải thiện nhà ở…

Ví dụ, mô hình thuê nhà dạng Jeonse, người thu nhập thấp sẽ cọc một khoản tiền thuê nhà (50-70% giá nhà) thay vì trả tiền hằng tháng. Nhà nước cho vay lãi suất thấp tương ứng 70% số tiền cọc. Lãi suất tiền gửi cho khoản đặt cọc chính là tiền thuê nhà.