YênBái - Cách đây 61 năm, ngày 8/9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Đến hôm nay, lời dạy đó của Bác vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa sâu sắc với mỗi nhà báo nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Tiếng Việt là hồn cốt của dân tộc, có sức sống lâu bền trong tâm hồn, lối sống, tư duy của con người Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc đã chứng minh, mặc dù chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của tiếng Hán, song nhân dân ta đã làm tất cả để bảo tồn, phát triển tiếng nói và chữ viết của dân tộc Việt Nam. Vì tương lai của nước nhà và giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc, ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào bên cạnh nhiệm vụ chống giặc đói, giặc ngoại xâm, phải quyết tâm chống giặc dốt.
Theo đó, chỉ 3 ngày - sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, trong đó có đoạn: "…, từ giờ phút này trở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.
Vâng lời Bác dạy, từ đó đến nay, tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy ở tất cả các cấp học, bậc học của nền giáo dục Việt Nam và ngày càng phát triển trên nguyên tắc nói thế nào, viết thế đó và nói gì cũng có thể ghi âm lại được bằng chữ viết mà ít ngôn ngữ nào có thể đạt được.
Nhờ vậy, Tiếng Việt đã được bảo vệ và phát triển sự trong sáng vốn có, tạo nên bản sắc văn hóa của con người Việt Nam. Từ tiếng nói Bác Hồ tuyên ngôn dựng nước, 78 năm qua, tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc với niềm kiêu hãnh, tự hào đã, đang và sẽ mãi ngân vang trên các diễn đàn, trên trường quốc tế.
Hôm nay, cùng với những cơ hội phát triển của quá trình hội nhập quốc tế, sự giao thoa ngôn ngữ với các quốc gia trong quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội chính là những thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ, phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Để biến thách thức đó thành cơ hội trong việc bồi đắp và giữ gìn nguồn tài sản vô cùng quý báu của dân tộc, ngoài việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng trong giao tiếp hàng ngày, không dùng từ ngữ lai căng, thô tục, không dùng tiếng lóng, từ đa nghĩa, khó hiểu, trong quá trình công tác, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ làm báo nói riêng càng phải luôn coi trọng việc sử dụng tiếng Việt.
Đặc biệt, phải kiên quyết loại bỏ việc pha trộn giữa tiếng Việt với tiếng nước ngoài, không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ sử dụng ngôn từ thuần Việt để trân trọng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên tất cả các loại hình, phương tiện báo chí, giúp người dân dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Qua đó, góp phần định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội đến những giá trị tiến bộ, lành mạnh và văn minh như lời Bác dạy: "Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Nhằm lan tỏa, tôn vinh nét văn hóa dân tộc và sự giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc với kiều bào trên toàn thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế, Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua Đề án "Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2023 - 2030”.
Theo đó, ngày 8/9 hàng năm sẽ được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những buổi học đầu tiên của năm học mới lại đến trong mùa Thu lịch sử, cùng với các cấp, các ngành và toàn xã hội, tin tưởng rằng ngành giáo dục nước nhà nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng sẽ tiếp tục gặt hái thêm thành công trên hành trình gieo chữ, trồng người để góp phần giữ gìn, phát triển "thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc” và "làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” như lời Bác dạy năm xưa.
Thanh Hương
Đăng thảo luận