Có bao nhiêu người vào quán ứng xử với tâm thế của một "thượng đế" đòi hỏi quyền được phục vụ, quyền được ưu tiên?
Ồn ào, chiếm dụng bàn ghế, bày bừa là những cảnh dễ thấy trong quán cà phê - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU
1. Sớm, người phụ nữ trung niên dẫn theo cô cháu gái bước vào quán trong trang phục thể dục với đôi giày thể thao đơn giản. Cô bé nhân viên nhanh nhạy chạy đến kéo ghế mời khách, hỏi khách dùng gì và đi vội về phía quầy pha chế.
Lát sau, cô bé trở lại với ly cà phê rang xay và một ly sữa chua, đặt thức uống lên bàn rồi quay người đi, trong khi hai vị khách vẫn mải mê nói chuyện.
"Con ơi, lại đây dì nói...". Tiếng gọi khẽ phát ra từ bàn bên làm tôi chú ý. "Dì gọi một ly chanh dây và một ly sữa chua mà bây đem ra cà phê thì ai uống được?". Đi kèm thắc mắc và nhắc nhở đó là một giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười nghiêm túc nhắc nhở. Chị nói lịch sự và nhẹ tênh "dì buồn bây dễ sợ!", rồi chị vẫn uống ly nước vì nghĩ cho cô nhân viên kia có thể bị rầy rà.
Tôi nhớ về lời của nữ sinh lớp 4 ở TP.HCM trong buổi đối thoại với lãnh đạo vào năm 2014: "Cần mở các lớp học dạy ý thức cho người lớn!". Người lớn cũng sốc khi nghe lời này, nhưng ngẫm lại thấy đúng vì người lớn phải làm gương.2. Tầm 8h, một gia đình nhiều thế hệ khoảng 7 - 8 người vào quán. Họ kéo thêm bàn, kê thêm ghế cho đủ chỗ ngồi. Đại gia đình có ông bà, bố mẹ và các cháu nhỏ nhiều độ tuổi tụ họp bên tách cà phê, ly trà sữa quả là hình ảnh sum vầy vui vẻ.
Nhưng rồi những tiếng cười đùa, buôn chuyện vang vọng lấn át không gian xung quanh. Tiếng nạt nộ, la ó con cái cứ thản nhiên vang lên như giữa chốn không người.
Mấy ổ bánh mì, vài cái bánh, ít gói kẹo bắt đầu bị bóc vỏ và vứt lung tung. Một túi ni lông chứa chùm quả nhãn to đùng bị banh ra, vừa ăn vừa xuýt xoa "nhãn ngon, nhãn ngọt và rẻ...". Vỏ quả, hạt, cùi cuống, bao bì ni lông vứt tung tóe trên hai mặt bàn và dưới sàn. Bọn trẻ mặt mày, tay chân dính đầy nước quả nhãn lại bôi lên khăn bàn, bệt trên thành ghế...
Sau khi đại gia đình nọ vô tư rời quán, cô phục vụ loay hoay một lúc mới thu gom hết vỏ bánh kẹo, lượm rác, lau chùi bàn ghế.
3. Có bao nhiêu người vào quán với tâm thế của một "thượng đế" đòi hỏi quyền được phục vụ, quyền được ưu tiên và cả quyền được mắng người khác khi món ăn chưa hợp ý, thức uống chưa đúng loại? Có lẽ là khá nhiều. Tôi cũng từng chứng kiến ánh mắt sắc như dao cau và khuôn miệng xinh xắn liên tục mắng người bởi phục vụ nhầm món.
Bởi vậy, khi tự dưng chứng kiến thái độ xuề xòa và lời trách cứ nhẹ tênh "dì buồn bây dễ sợ!" của người phụ nữ ấy, tôi tự nhiên thấy nhẹ nhõm. Cô bé đi cùng có lẽ cũng ít nhiều nhận được một bài học ứng xử lịch sự từ người thân của mình.
Sự tử tế đôi khi bắt đầu từ chính thái độ ứng xử không kẻ cả, chẳng hách dịch với ngay những cô bé, cậu bé đáng tuổi con cháu trong nhà đang "chạy bàn" kiếm thêm thu nhập đóng học phí.
Cách ứng xử kém duyên trong câu chuyện thứ hai vẫn nhan nhản khắp nơi. Có bao giờ bạn vào quán xá và biến nó thành không gian riêng tư của mình và mặc sức cười đùa, la hét? Có bao giờ bạn ỷ mình là khách và vô tư ăn uống, xả rác bừa bãi, còn chuyện dọn dẹp đã có nhân viên phục vụ?...
Có nhiều người lớn đang tự làm xấu hình ảnh của mình và vô tình dạy con trẻ lối sống luộm thuộm, bừa bộn lẫn ích kỷ. Đòi hỏi sự văn minh của người trưởng thành khi vào quán xá ư? Đó là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Đăng thảo luận
2024-09-25 11:44:13 · 来自121.76.50.211回复
2024-09-25 11:54:13 · 来自123.232.176.208回复
2024-09-25 12:04:04 · 来自210.45.39.151回复
2024-09-25 12:14:11 · 来自182.89.18.161回复
2024-09-25 12:24:05 · 来自123.233.1.82回复