Trước những thiệt hại do bão số 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.

Không gây áp lực, quá tải cho học sinh và giáo viên vùng bão, lũ  第1张

Trường THCS Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước lũ, học sinh chưa thể đến trường học - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ngày 19-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tình hình mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các trường học, học sinh tại một số địa phương phải nghỉ học nhiều ngày. Ngay trong quá trình nước rút, các địa phương, nhà trường đã nỗ lực thực hiện kịp thời các giải pháp khắc phục để đón học sinh đến trường học tập.

Tuy nhiên vẫn còn một số trường, điểm trường bị hư hỏng quá nặng hoặc bị chia cắt, nên chưa thể tiếp tục tổ chức dạy học.

Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.

  • Ưu tiên miễn, giảm học phí cho sinh viên vùng bão lũ

  • Đồng Tháp dự kiến miễn, giảm 50% học phí cho học sinh mầm non, trung học cơ sở

  • Nhiều trường đại học lên phương án hỗ trợ sinh viên, ủng hộ người dân vùng lũ

Trong đó lưu ý rà soát, có phương án phù hợp để đưa học sinh ở các trường, điểm trường chưa hoạt động trở lại về điểm trường chính hoặc các trường khác trong khu vực để học tập.

Đối với những học sinh phải di chuyển quá xa nhà thì có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.

Đối với những học sinh do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho học sinh như giao bài, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ I và cả năm học theo kế hoạch giáo dục chung của địa phương và cả nước.

17 tỉnh, thành cân nhắc cho nghỉ học tránh bão số 4

Ngày 19-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện gửi giám đốc sở giáo dục và đào tạo 17 tỉnh, thành phố, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó với mưa bão.

Theo đó, để chủ động và linh hoạt trong công tác ứng phó với bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên ngành giáo dục, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giám đốc sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố nói trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, trực ban 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó kịp thời.

Các địa phương cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão. Đồng thời đảm bảo thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.

Ngay sau khi bão tan, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường.

Theo dự báo, đầu giờ chiều nay 19-9, tâm bão số 4 (Soulik) sẽ đi vào đất liền (đổ bộ) các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Trị. Ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, chiều và đêm nay tiếp tục có mưa to đến rất to.