Không có việc làm ổn định, phải chạy ăn từng bữa nhưng những người lao động chân chất vẫn luôn chủ động kiếm việc để duy trì cuộc sống.

Ai cũng cố gắng vươn lên

Trong rủi, có may. Câu nói này cuối cùng cũng vận vào Vũ Hoàng Trung, một người làng của tôi. Trung, 24 tuổi, vào Nam học hành, làm việc, thất nghiệp, chạy đôn đáo tìm việc và rồi nay chạy xe ôm công nghệ kiếm sống. Cả quá trình trên diễn ra kể từ khi Trung vào TP.HCM cách đây 6 năm, trải qua những đợt Covid kéo dài. Và đến nay, Trung chở người, chở hàng suốt từ sáng đến đêm để duy trì cuộc sống nơi đất khách. “Vẫn còn có cái may là em kiếm được 7 triệu mỗi tháng”, Trung nói với tôi.

Tôi thích cách tiếp cận tích cực qua từ "may" của Trung. Khó khăn, gian khổ thì lúc nào chả có, đâu chỉ bây giờ. Thời bố, mẹ Trung còn trẻ, tôi đã chứng kiến họ chăm chỉ cày ruộng, trồng rau ở quê mà còn chẳng đủ nuôi miệng. Khó khăn của cậu đã là gì so với những người làng tôi thế hệ trước.

Con người sinh ra ai chả muốn thuận lợi, có việc, có tiền. Nhưng nếu không thuận lợi thì chả lẽ lại bi kịch hóa đời mình hay sao!

Tinh thần đó tôi lại thấy trong câu chuyện của một tài xế công nghệ tuổi đời tầm 30 tôi vừa gặp ở Hà Nội. Anh kể, anh chạy xe 15 giờ mỗi ngày mới kiếm đủ tiền ăn, tiền học, tiền nhà cho cả gia đình gồm 2 con nhỏ. “Mệt em cũng phải cố gắng vì phía sau còn cả gia đình. Mình không dừng được anh ạ”, cậu nói.

Những câu chuyện như trên chắc hẳn là rất nhiều và đa dạng. Dù mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai, họ chia sẻ một điểm chung: khi mất việc và gặp khó khăn nhất, họ luôn chủ động kiếm việc để duy trì cuộc sống lương thiện.

Khi những người trẻ chạy xe ôm  第1张 Khó khăn nhiều người lao động phải tìm những công việc vất vã để mưu sinh (Ảnh minh hoạ)

Nỗi niềm đó có lẽ cần được khơi gợi với nhiều người, nhất là người trẻ đã trở nên thiếu việc, mất việc. Cứ nhìn cảnh nhiều chợ trung tâm, nhiều cửa hàng, sạp đồ, quán ăn trên các tuyến phố đã đóng cửa do khó khăn, ế ẩm thì có thể hình dung nhiều người lao động đã không còn thu nhập thế nào.

Khi nền kinh tế bị tác động bởi suy giảm kinh tế, nhiều người lao động, kể cả những lao động có kỹ năng, có trình độ, lẫn những người không có kỹ năng, đều hứng chịu. Một ví dụ rõ nhất là hàng chục ngàn doanh nghiệp đã rời thị trường trong tháng qua.

Nhìn vào việc làm cho thanh niên

Báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, bình quân cả nước hiện nay cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp; người lao động trẻ có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam.

Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 7,21%; năm 2021, tỷ lệ này là 8,55% và là năm cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Năm 2022, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình việc làm của thanh niên dù có sự chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn chiếm hơn 7,7%, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp.

Số liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi ở nước ta là hơn 7%, cao gấp ba so với tỷ lệ thất nghiệp chung, tăng gấp đôi so với năm 2019 - thời điểm trước dịch.

Khi những người trẻ chạy xe ôm  第2张 Kết nối cung - cầu để giảm lao động thất nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Những con số này có lẽ còn lâu mới phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, nơi khu vực kinh tế hộ gia đình là nơi cung cấp việc làm nhiều nhất cho xã hội, nhưng lại rất khó thống kê, đo lường.

Kết nối cung – cầu

Những người trẻ như Trung, cậu lái xe công nghệ và nhiều người khác có lẽ cũng hy vọng được tiếp sức, hỗ trợ nâng cao tay nghề, kỹ năng để thích ứng với công việc khác tốt hơn. Đến nay, mới chỉ ¼ số lao động ở nước ta là qua đào tạo. Câu chuyện đa số lao động trẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp vẫn chưa có hồi kết. Không ít lao động trẻ dù được đào tạo bài bản trên ghế nhà trường nhưng sau khi tốt nghiệp, bước vào thị trường lao động lại không đáp ứng được yêu cầu công việc, không chịu được áp lực, nên nhanh chóng bị đào thải, rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Có thể thấy, việc đào tạo nhân lực ở nước ta còn mang nặng tính hình thức, đào tạo nhiều ngành với số lượng lớn nhưng lại chưa chú trọng đến chất lượng và theo yêu cầu thị trường, điều này dẫn đến có sự lệch pha giữa cung - cầu lao động.

Làm sao kết nối cung – cầu ở thị trường lao động là điều mà nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân lâu nay băn khoăn, trăn trở. “Khi nguồn nhân lực trẻ được đào tạo ra phù hợp với ngành nghề thị trường đang cần, chắc chắn tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp sẽ giảm”, ông nói.

Ở nhiều quốc gia tiên tiến, việc đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường đã được thực hiện bằng các quy định rất chặt chẽ. Chẳng hạn, ở Hà Lan, trước khi lên kế hoạch đào tạo thì Cơ quan quản lý lao động của Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kế hoạch sử dụng lao động trong 5 năm, trong đó phải đề xuất các phương án sử dụng lao động trong từng năm, theo từng phương án rất cụ thể. Sau đó cơ quan quản lý nhân lực tổng hợp lại và đặt hàng đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Quy định này giúp doanh nghiệp có ngay nguồn nhân lực cần thiết để phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả, đồng thời tránh được hệ luỵ đào tạo những ngành nghề công việc thị trường không cần đến.

Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp quy mô lớn đã kết nối, đặt hàng nhân sự với một số trường đại học. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể theo mô hình này và rủi ro đào tạo những ngành nghề không đáp ứng được xu thế của thị trường ngày càng lớn hơn.

Đã đến lúc cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; xây dựng cầu nối giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để giúp làm cầu nối giữa cung – cầu.

Vấn đề hướng nghiệp cũng cần được thực hiện bài bản để hướng dẫn lao động trẻ chọn lựa ngành nghề phù hợp với bản thân và thị trường lao động. Công tác tư vấn nghề nghiệp, đưa ra thông tin chi tiết về các ngành nghề có triển vọng, khuyến khích kỹ năng đa ngành để thích ứng với sự biến động của thị trường lao động.

Việc trang bị kỹ năng mềm cho người lao động, nhất là lao động trẻ cũng cần được đào tạo bài bản. Các kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian và kỹ năng làm việc nhóm… cần được đào tạo không chỉ trong trường học mà cần được thực hành qua công việc thực tế.

Những lao động trẻ được những người có kinh nghiệm đào tạo phát triển kỹ năng mềm thông qua tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp lao động thích ứng nhanh với thị trường lao động.

Những công việc này được làm tốt chắc chắn sẽ hữu ích cho nhiều bạn trẻ mất việc như Trung người làng tôi để họ được trang bị kỹ năng phù hợp hơn.

Vũ Điệp 

Khi những người trẻ chạy xe ôm  第3张 Nền kinh tế nhìn từ GDPHàng loạt các chỉ tiêu kinh tế và các vấn đề quản lý sẽ được thảo luận tại diễn đàn Quốc hội để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển.