Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã tranh thủ nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
HĐND tỉnh ban hành 4 Nghị quyết cụ thể hoá cơ chế chính sách, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình; quy định nội dung hỗ trợ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án/kế hoạch trong thực hiện hỗ trợ sản xuất; quy định cơ chế lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác....
UBND tỉnh đã ban hành các quy định về tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, bản nông thôn mới; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn và hàng năm; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kiện toàn Văn phòng nông thôn mới các cấp...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được chú trọng, với nội dung, hình thức đa dạng, thiết thực.
Tỉnh Lai Châu chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.Hiện, Lai Châu đã có 5.978,31km đường giao thông nông thôn, cứng hóa được 76,26% đường thôn bản, tăng 14,8%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt 88,5%, tăng 7,6%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96,2%, tăng 3,7%. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện, có 9.150 lao động được đào tạo, tăng 38%.
Thu nhập GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 48,3 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn là 19,5 triệu đồng/người/năm (năm 2020 là 43,3 triệu/người, thu nhập bình quân vùng nông thôn là 16 triệu đồng/người). Số hộ nghèo toàn tỉnh còn 30.048 hộ, chiếm tỷ lệ 28,54% (tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 là 24,98% theo chuẩn nghèo đa chiều cũ)...
Đến nay, 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 13,9 tiêu chí/xã. Thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh có 158 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,5%/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225,1 tấn; tốc độ tăng đàn gia súc đạt bình quân 5%/năm. Hình thành 3.859 ha lúa hàng hóa tập trung với các giống lúa chất lượng cao và đặc sản, 9.811 ha chè, 1.666 ha cây ăn quả các loại.
Những kết quả đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; bộ mặt vùng nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới. Bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể. Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với các cuộc vận động, tuyên truyền của các cấp hội đoàn thể nhằm hiện thực hoá vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh xây dựng huyện nông thôn mới; xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; thôn bản nông thôn mới đi vào chất lượng, chiều sâu; đặc biệt ưu tiên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…
Đăng thảo luận