Cuộc tập kích tên lửa của Iran vào Israel không chỉ giúp phô diễn sức mạnh, mà còn nhằm thể hiện khả năng bảo vệ "trục kháng chiến" trong khu vực.

Lý do Iran quyết tập kích tên lửa vào Israel  第1张 Các quả đạn bay trên bầu trời Jerusalem tối 1/10.

Iran đêm 1/10 khai hỏa gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, đánh dấu cuộc tập kích thứ hai vào lãnh thổ đối thủ lâu năm của Tehran trong vòng 6 tháng qua. Cuộc tập kích diễn ra bất chấp những cảnh báo cứng rắn từ Israel và Mỹ, cho thấy quyết tâm của Iran khi tiến hành đòn tấn công.
Tehran tuyên bố đây là hành động trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh và chuẩn tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abbas Nilforoushan. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 2/10, đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saied Iravani nói rằng động thái cũng nhằm "khôi phục sự cân bằng và răn đe".
Mojtaba Dehghani, nhà phân tích chính trị của Independent Persian, nhận định Iran hành động quyết liệt như vậy nhằm cho thấy họ không bỏ rơi đồng minh, sau khi các nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến" do Tehran dẫn đầu phải hứng chịu loạt đòn giáng mạnh trong những tuần qua.
"Cuộc tấn công không chỉ nhằm phô trương sức mạnh hay xoa dịu những người ủng hộ, mà còn là một phần chiến lược lớn hơn được Iran theo đuổi nhiều năm qua", Dehghani cho hay.
Iran đã xây dựng "chiếc ô an ninh" dựa trên hai trụ cột. Một là chương trình tên lửa và hạt nhân, mà Israel cho rằng Iran đang tiến gần tới phát triển thành công bom hạt nhân. Trụ cột thứ hai là "trục kháng chiến", mạng lưới lực lượng đồng minh ở Lebanon, Yemen, Iraq, Syria và Gaza.
Không phản ứng trước những đòn tấn công của Israel nhằm vào "trục kháng chiến" có thể dẫn tới sự sụp đổ của một trong những chiến lược an ninh cốt lõi với Iran, theo các nhà quan sát.
Trước khi Hamas bất ngờ tấn công miền nam Israel ngày 7/10/2023, cả Tehran và Tel Aviv luôn ngầm tuân thủ "lằn ranh đỏ" để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp. Tuy nhiên, ranh giới này đã dần bị xóa mờ kể từ đó.
Israel hiện coi các cuộc tập kích liên tục của Hezbollah ở Lebanon và nhóm Houthi ở Yemen là hành động do Iran thúc đẩy. Tehran dường như đang cố gắng thiết lập lại khả năng răn đe trước đối thủ lâu năm sau khi các quy tắc bất thành văn với Tel Aviv sụp đổ.
"Nhiều năm qua, Iran coi lực lượng ủy nhiệm cùng khả năng nhắm mục tiêu vào căn cứ của Mỹ, Israel là biện pháp răn đe để bảo vệ chương trình hạt nhân và tên lửa của họ. Trục kháng chiến suy yếu hoặc tan rã sẽ gây ra thảm họa an ninh lớn cho Tehran", Erfan Kasraie, nhà phân tích của DW, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc tấn công của Iran vẫn thể hiện sự kiềm chế nhất định. Jeffrey Lewis, giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ, chỉ ra rằng tên lửa Iran chủ yếu nhắm vào các căn cứ không quân và tình báo có thể được Israel sử dụng trong cuộc tập kích hạ sát thủ lĩnh Hezbollah cuối tháng trước.
Tổng thống Masoud Pezeshkian ngày 2/10 cho biết Iran "không theo đuổi chiến tranh", nhấn mạnh chính những hành động của Tel Aviv khiến Tehran phải phản ứng.
Cuộc tấn công tên lửa cũng làm dấy lên suy đoán về khả năng của Iran. Dehghani cho biết Tehran đã đầu tư rất nhiều tiền của vào phát triển tên lửa, nhưng các lệnh trừng phạt và hạn chế nhập khẩu vũ khí lâu nay nhiều khả năng đã ảnh hưởng tới lĩnh vực này.
Giới phân tích cho rằng kho vũ khí này có thể giúp Iran gây thiệt hại nặng và ngắn hạn cho đối thủ trong kịch bản đối đầu có kiểm soát. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu chiến tranh toàn diện với Israel bùng phát.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định cuộc tấn công đáp trả của nước này sẽ kết thúc, trừ khi Israel có thêm hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo rằng phản ứng của Iran "sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều" nếu điều đó xảy ra.
(Theo VnExpress)