Series "Shogun" - thắng 18 giải Emmy 2024 - gây ấn tượng với khán giả nhờ cốt truyện kịch tính, tái hiện chân thực lịch sử, văn hóa Nhật Bản.

Tác phẩm ra mắt cuối tháng 2, nhanh chóng trở thành hiện tượng khi nhận nhiều lời khen từ phê bình lẫn khán giả. Phim lấy bối cảnh Nhật Bản đầu thế kỷ 17, thời điểm đất nước đứng trước bờ vực của cuộc nội chiến. Sau cái chết của Nhiếp chính Nakamura Hidetoshi, một hội đồng gồm năm lãnh chúa được thành lập để cai quản đất nước. Tuy nhiên, dưới vỏ bọc đoàn kết, các lãnh chúa âm thầm tranh giành quyền lực, với tham vọng cuối cùng là trở thành Shogun - người nắm giữ quyền lực tối cao.

Lý do 'Shogun' gây sốt  第1张     Trailer 'Shogun'

Trailer "Shogun", gồm 10 tập. Theo ứng dụng theo dõi người xem Samba TV, tác phẩm được phát trực tuyến nhiều nhất trên mọi nền tảng từ ngày 26/2 đến 3/3. Video: FX

Trung tâm cuộc tranh đấu là lãnh chúa Yoshii Toranaga (Hiroyuki Sanada thủ vai), phải đối mặt với sự phản bội từ các đồng minh và tìm cách duy trì quyền lực. Khi thuyền viên người Anh John Blackthorne (Cosmo Jarvis) bất ngờ xuất hiện, tình hình trở nên phức tạp. Anh vô tình trở thành chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến quyền lực giữa Toranaga và đối thủ của ông.

Các nhân vật được xây dựng dựa trên nguyên mẫu ngoài đời thật, giúp tăng tính chân thực cho tác phẩm. Theo diễn viên, nhà sản xuất Shogun Hiroyuki Sanada, nhân vật Yoshii Toranaga được xây dựng dựa trên nhân vật có thật - Tokugawa Ieyasu (1543-1616). Ban đầu, Toranaga được khắc họa như một nhà lãnh đạo chính nghĩa. Tuy nhiên, qua từng diễn biến, ông thể hiện mình là người thâm độc, luôn kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để nắm quyền. Toranaga sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả người thân của ông phải chết, nếu điều đó giúp ông đạt được mục tiêu trở thành Shogun.

Nhân vật của ông không nói nhiều, nhưng hành động tàn nhẫn và hiệu quả. Khi bị hỏi liệu ông có khác gì những kẻ mưu đồ khác, mục tiêu duy nhất của ông có phải là giành ngôi Shogun, Toranaga chọn cách im lặng. Với ông, quyền lực là thứ đáng giá để theo đuổi, không cần phải bào chữa cho sự tàn nhẫn của mình.

John Blackthorne, dựa trên nhân vật lịch sử William Adams, là hiện thân của sự va chạm giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Ban đầu, anh xuất hiện như một kẻ "man rợ", coi thường nền văn hóa Nhật Bản. Nhưng qua thời gian, Blackthorne buộc phải học cách thích nghi và hòa nhập.

Trong mắt Toranaga, Blackthorne là công cụ hữu ích, mang lại kiến thức phương Tây để ông sử dụng trong cuộc chiến quyền lực. Điều khiến Toranaga tha mạng cho Blackthorne là sự ngây ngô của hắn khiến ông buồn cười. Tuy nhiên, Blackthorne không nhận ra mình là một con cờ trong tay Toranaga và tiếp tục theo đuổi sứ mệnh tiêu diệt các linh mục Dòng Tên - kẻ thù chính trị của anh. Khi Toranaga khuyên anh từ bỏ sứ mệnh này vì không có ưu thế về lực lượng, Blackthorne nói: "Trừ khi tôi thắng".

Nhân vật Toda Mariko (Anna Sawai thủ vai) đóng vai trò cầu nối văn hóa giữa John Blackthorne và Toranaga. Là người phiên dịch và hướng dẫn cho Blackthorne, Mariko giúp anh hiểu về văn hóa Nhật Bản, đồng thời trở thành biểu tượng cho lòng trung thành và sự hy sinh.

Lý do 'Shogun' gây sốt  第2张     Trích đoạn 'Shogun'

Trích đoạn một trận đánh trong phim "Shogun". Video: FX

Cô phải đối mặt xung đột nội tâm, một mặt gìn giữ đức tin, mặt khác phải tuân lệnh Toranaga, phục tùng chồng - Buntaro (Shinnosuke Abe đóng). Khi gặp gỡ Blackthorne, mối quan hệ của hai người phát triển dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tạo nên tuyến tình cảm phức tạp trong phim. Mariko vừa đấu tranh khẳng định vai trò của mình trong xã hội, vừa phải chịu trách nhiệm với cảm xúc cá nhân. Nhân vật còn cho thấy sự kiên cường, thể hiện qua câu nói: "Một khi lòng trung thành đã bắt đầu, nó sẽ không có kết thúc. Nếu không, đó không phải là lòng trung thành".

Kịch bản còn gây ấn tượng khi lồng ghép nhiều triết lý của người Nhật, giúp khán giả toàn cầu tiếp cận văn hóa phương Đông. Tác phẩm tái hiện các nghi lễ truyền thống như trà đạo, cách chào hỏi, và nghi thức tuẫn tiết (seppuku). Theo Variety, hơn 300 chuyên gia tham gia vào quá trình sản xuất để đảm bảo mọi chi tiết phản ánh xã hội phong kiến Nhật.

Trong phim, nghệ thuật dịch thuật không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là một công cụ ngoại giao và thao túng. Khác với phiên bản 1980 không có phụ đề cho các đoạn hội thoại tiếng Nhật, phiên bản này cho phép khán giả hiểu rõ hơn sự phức tạp của dịch thuật trong bối cảnh chính trị, nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ trong việc bóp méo và lợi dụng nhằm đạt được quyền lực.

Lý do 'Shogun' gây sốt  第3张

Toda Mariko, do Anna Sawai đóng, đảm nhận vị trí phiên dịch cho John Blackthorne (Cosmo Jarvis) trong phim "Shogun". Ảnh: FX

Shogun chinh phục khán giả nhờ câu chuyện có chiều sâu, được xây dựng trên bối cảnh Nhật Bản thời kỳ phong kiến. Dù ghi hình chủ yếu tại Canada, phim vẫn tái hiện những cánh đồng hoa, dãy núi đến bờ biển xanh thẳm. Các góc quay rộng tạo nên bối cảnh hùng vĩ, nâng cao quy mô đầu tư. Âm thanh cũng đóng vai trò then chốt trong việc tạo nên không gian cảm xúc. Kỹ thuật viên Jim Gallivan nghiên cứu hành trình di cư và ghi âm tiếng chim, tái tạo âm thanh tự nhiên của bối cảnh.

Về phần trang phục, Carlos Rosario và đội ngũ thiết kế hơn 2.300 bộ quần áo, đảm bảo tính chính xác về phong cách thời Chiến Quốc. Cách thắt obi, chất liệu vải đều được tính toán kỹ lưỡng để biểu thị địa vị xã hội của từng nhân vật.

Ví dụ, Lady Ochiba (Fumi Nikaido) mặc năm lớp áo thể hiện quyền quý, còn Mariko chỉ mặc ba lớp, phản ánh địa vị khiêm nhường hơn. Variety khen tài năng của Carlos Rosario, cho rằng dưới bàn tay của ông, trang phục không chỉ đơn thuần là một yếu tố hỗ trợ, chúng trở thành phương tiện định hình, một sự điều chỉnh về mặt tâm lý, giúp diễn viên hóa thân trọn vẹn.

Hải Đăng