Lũ sông Hồng tại Hà Nội đã giảm 1,54 m so với lúc đỉnh, các sông khác ở miền Bắc đều giảm, nhưng nhiều vùng ven sông vẫn có thể ngập kéo dài.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 10h sáng nay nước lũ trên tất cả sông miền Bắc đang xuống. Thượng nguồn sông Hồng tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ lũ đã rút dưới báo động một, mức thấp nhất trong ba cấp báo lũ.
Tại Hà Nội, lũ sông Hồng lúc 10h xuống 9,76 m, giảm 1,54 m so với đỉnh lũ rạng sáng qua và chỉ hơn báo động một 26 cm. Tốc độ nước rút khá nhanh, khoảng 10 cm mỗi giờ.
Nước ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã rút sáng 13/9. Ảnh: Giang Huy
Lũ các sông Chảy, Lô cũng ở ngưỡng trên dưới báo động một. Hiện chỉ có lũ các sông Hoàng Long (Ninh Bình), Cầu (Bắc Ninh), Thái Bình (Hải Dương), Lục Nam (Bắc Giang) trên báo động ba, nhưng đã qua đỉnh và đang rút.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Lục Nam và sông Thái Bình xuống dưới báo động ba; sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống, nhưng vẫn ở trên báo động ba. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống báo động một (9,5 m).
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ các sông Cầu, Thương và Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn trên báo động ba; sông Lục Nam và sông Thái Bình xuống trên báo động hai. Lũ sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới báo động một.
Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống hệ thống sông Hồng và Thái Bình có khả năng chậm nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Tại Hà Nội, vùng ngoài đê sông Hồng nước sẽ rút trong 2-3 ngày tới. Riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi còn ngập 10-13 ngày, sông Tích khoảng 7-10 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 3-5 ngày, sông Nhuệ 2-3 ngày.
Làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội bị nước lũ tràn vào, chiều 12/9. Ảnh: Phạm Chiểu
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết từ ngày 6/9 đến sáng nay bão lũ đã khiến 233 người chết, 103 người mất tích, chủ yếu do lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, Lào Cai thiệt hại nặng nhất với 98 người chết, 81 người mất tích; Yên Bái 48 người chết; Cao Bằng 43 người chết.
Mưa lũ đã làm gần 68.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó nhiều nhất là Yên Bái với hơn 21.000 nhà, Tuyên Quang hơn 18.500, Lạng Sơn gần 7.000, Hà Nội hơn 6.500, Ninh Bình, Lào Cai mỗi tỉnh hơn 3.000. Các địa phương đã sơ tán hơn 74.500 hộ với 130.000 người. Thái Nguyên sơ tán nhiều nhất gần 26.000 người, tiếp theo là Bắc Giang hơn 13.000, Lào Cai gần 8.000.
Lũ đã làm ngập hơn 200.000 ha lúa, gần 40.000 ha hoa màu, hơn 22.000 ha cây ăn quả, cuốn trôi hơn 1.800 lồng bè, làm chết gần 1,8 triệu con gia cầm, hơn 4.500 con gia súc.
Đăng thảo luận