Hà NộiBị cáo Lê Huy Lân, cựu tổng giám đốc COMA 18, khai giai đoạn bất động sản "nằm đáy" để có tiền xây dự án VP6 Linh Đàm đã hợp tác với doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản.
Chiều 9/8, sau một ngày xét xử, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Lê Văn Khương, 69 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA, 3 năm tù (án treo) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Lê Huy Lân, 62 tuổi, cựu tổng giám đốc COMA 18 và Nguyễn Xuân Phong, 56 tuổi, cựu phó tổng giám đốc, bị phạt 8 năm và 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tòa cho hay các bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ, đồng thời hậu quả của vụ án đã được khắc phục nên tuyên mức án dưới mức thấp nhất của khung truy tố.
Phiên tòa được mở sau hai lần hoãn hồi tháng 7. Ảnh: Danh Lam
Theo nội dung bản án, trong dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, lô đất VP6 Linh Đàm, diện tích hơn 2.600 m2 là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê. Tháng 2/2010, COMA 18 được làm chủ đầu tư thực hiện dự án VP6 Linh Đàm.
Hợp đồng nêu "không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba nào khác trong thời gian thực hiện hợp đồng".
Tháng 7/2013, do COMA 18 không thể hoàn thành được dự án VP6, Tổng giám đốc Lân xin ý kiến Tổng công ty COMA cho chuyển nhượng. Để thu hồi vốn, Chủ tịch COMA Lê Văn Khương và các thành viên trong Hội đồng thành viên chấp thuận COMA 18 được chuyển nhượng hoặc hợp tác kinh doanh.
COMA 18 ký hợp đồng, thỏa thuận Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên góp 95% vốn (12,3 tỷ đồng) song được hưởng 100% kết quả kinh doanh dự án VP6 Linh Đàm.
Theo cáo buộc, Nghị định 71/2010 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2005, nếu ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được chia cho phía góp vốn tối đa 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án. Song hợp đồng COMA 18 ký lại để doanh nghiệp của ông Thản góp vốn 95% và hưởng 100% sản phẩm, là trái pháp luật.
Việc cố ý chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước 64,3 tỷ đồng. Đây là số tiền sử dụng đất không thể thu hồi cho diện tích hơn 2.600 m2 đất, tại thời điểm được tính, tháng 7/2013.
Doanh nghiệp của ông Thản đã nộp 64 tỷ đồng sau khi vụ án bị khởi tố. Hơn 300 triệu đồng còn lại, tại tòa, họ đã cam kết hoàn thành như bản án tòa tuyên.
Khai tại tòa, ông Lân, người bị đánh giá có vai trò cao nhất, trình bày bối cảnh năm 2013 khi COMA 18 được giao thực hiện dự án VP6 Linh Đàm, thị trường bất động sản khi đó "nằm đáy, vô cùng khó khăn". Công ty cơ khí tiềm lực ít ỏi như COMA 18, ông cảm thấy không thể đủ tiền thực hiện dự án.
Nhưng mặt khác nếu báo cáo thành phố, có nguy cơ bị thu hồi, đồng nghĩa với việc toàn bộ số vốn mà công ty đã đầu tư vào đó sẽ bị thu hồi. "Mà tiền đó là vốn của nhà nước", ông Lân khai và cho hay đã tìm cách tháo gỡ, đi tìm các doanh nghiệp đủ tiềm lực kinh tế đặt vấn đề hợp tác đầu tư kinh doanh.
Ông phủ nhận cáo buộc việc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản về "bản chất là để thực hiện ý định chuyển nhượng dự án".
Ông Lê Huy Lân (áo xanh), ông Lê Văn Khương (trái) và ông Nguyễn Xuân Phong tại tòa. Ảnh: Danh Lam
"Quy định của thành phố nói rõ, không được phép chuyển nhượng nếu không có sự phê duyệt chứ không nói là cấm chuyển nhượng. Nghĩa là nếu đủ điều kiện, vẫn được thành phố cho phép", ông Lân nói và khẳng định hợp đồng mình ký với công ty ông Lê Thanh Thản là để hợp tác xây dựng dự án.
VKS khi này truy vấn "có biết hợp đồng hợp tác đầu tư là thế nào không, các bên góp vốn và hưởng lợi thế nào không?". Ông Lân đáp "có biết, là cùng góp vốn cùng hưởng lợi theo mức góp vốn".
"Vậy hợp đồng bị cáo ký có phải hợp tác kinh doanh không? Cho đối tác góp tới 95% vốn, rồi hưởng lợi 100%? có phải hợp tác kinh doanh hay là chuyển nhượng trắng?", công tố viên nói.
"Ông có biết đối tác xây sai thiết kế cho phép, vượt hàng chục tầng, quá mức cho phép hàng trăm căn hộ không?", VKS hỏi dồn.
Ông Lân khi đáp "không" liền bị kiểm sát viên phân tích: "Ông vừa nói là hợp tác kinh doanh mà đối tác làm gì lại không biết, thế có mâu thuẫn không?".
Ông Lân bào chữa, do chủ quan, thiếu đôn đốc giám sát, nghĩ rằng dự án ở đó rồi thì không mất đi đâu, không ai dám làm sai. Còn về việc đối tác được hưởng 100% doanh thu dự án, ông Lân cho rằng "kế toán công ty hạch hoán sổ sách nhầm". Phần trả lời của ông bị VKS đánh giá "còn mâu thuẫn, chưa thực sự thành khẩn".
Trong khi đó, bị cáo Lê Văn Khương, cựu Chủ tịch HĐTV COMA (công ty mẹ của COMA 18) cũng trình bày những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước trong thời điểm khó khăn chung của thị trường bất động sản. COMA là Tổng công ty cơ khí xây dựng, COMA 18 cũng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, không chuyên xây dựng chung cư, vốn lại rất nhỏ, thường xuyên phải vay ngân hàng thậm chí vay vốn lưu động để thực hiện dự án.
Thời điểm năm 2013, khi về làm Chủ tịch HĐTV COMA, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ông được Bộ Xây dựng giao, là thoái vốn nhà nước tại các dự án ngoài ngành. Trong số này, dự án VP6 Linh Đàm là mối quan tâm cực lớn.
Khi được lãnh đạo COMA 18 báo cáo về việc doanh nghiệp không thể cầm cự với dự án, ông Khương nói, biết ông Lân đã đi gặp rất nhiều doanh nghiệp để tìm cách "cứu dự án".
Khi Hội đồng quản trị COMA 18 xin chủ trương tìm doanh nghiệp ngoài để hợp tác cùng làm dự án, ông Khương cho hay ban đầu chỉ xin "chuyển nhượng", nhưng cùng ngày đã bổ sung nội dung "hoặc hợp tác kinh doanh" và ký Nghị quyết đồng ý
Theo ông nội dung Nghị quyết rất chặt chẽ, trong đó ràng buộc chỉ được xây đúng 25 tầng, chỉ được chuyển nhượng khi đủ điều kiện... Nhưng do quá tin tưởng cấp dưới nên mới có sai phạm.
Ông cho rằng chữ ký của ông, Chủ tịch HĐTV, chỉ thay mặt những thành viên còn lại của HĐTV, theo quy định thì quyền và trách nhiệm của các thành viên là như nhau nhưng vì ông thay mặt họ ký nên chỉ mình ông phải chịu trách nhiệm. Ông Khương nhận lỗi của người đứng đầu song xin xem xét tính chất, hoàn cảnh sai phạm.
VKS cho hay vì đã xét các yếu tố này nên mới truy tố ông Khương ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chứ không phải Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như 2 bị cáo còn lại.
Ông Khương do đó cũng được đề nghị án nhẹ nhất, 3 năm tù (án treo), trong khi ông Lân và ông Phong bị VKS đề nghị lần lượt 8-10 năm và 5-6 năm tù.
Theo VKS, cả 3 bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn, trong đó ông Lân đưa ra chủ trương, trực tiếp chỉ đạo; ông Phong được giao việc tuy biết sai vẫn thực hiện, là đồng phạm giúp sức. Ông Khương quản lý không nghiêm, dẫn đến việc doanh nghiệp tư nhân của ông Lê Thanh Thản xây dựng sai quy định.
Ông Thản được cơ quan tố tụng đánh giá không có cơ sở cáo buộc đồng phạm với ông Lân. Khi điều tra, ông Thản khai không thỏa thuận về việc COMA 18 nhận dự án VP6 Linh Đàm để chuyển nhượng. Ông không thúc đẩy hay tác động để COMA18 chuyển giao dự án mà việc ký hợp tác kinh doanh là do ông Lân chủ động liên hệ.
Theo quy hoạch được duyệt, tòa nhà VP6 Linh Đàm cao 25 tầng, 2 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm song đã xây thành 35 tầng, một tầng kỹ thuật, một tầng hầm, tổng cộng 37 tầng.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, từ tầng 2 đến tầng 9 của tòa nhà VP6 đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn hộ. Còn các tầng từ 26 trở lên đều không nằm trong quy hoạch được phê duyệt, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng vượt tầng.
Hiện cư dân VP6 Linh Đàm vẫn chưa nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Thản hiện là bị can trong vụ án Lừa dối khách hàng, liên quan chung cư CT6C Hà Đông, Hà Nội. Vụ án bị tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, sau lần mở phiên sơ thẩm hồi tháng 8/2023.
Thanh Lam
Đăng thảo luận