Liên quan tình trạng kẹt xe ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), nhiều người cho rằng cần sớm mở rộng đường Ung Văn Khiêm và các đường lân cận để cải thiện tình hình.

Mở rộng đường Ung Văn Khiêm, lối thoát kẹt xe cho quận Bình Thạnh?  第1张

Kẹt xe nghiêm trọng ở giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Bình Thạnh có những dự án "chống kẹt xe" nào?

Là một "nạn nhân" trong trận kẹt xe tứ phía vào tối 8-10 ở quận Bình Thạnh, anh Hồ Sỹ Tiến (ngụ TP Thủ Đức) cho biết chưa bao giờ trải qua tình trạng kẹt xe khủng khiếp như hôm đó. Mặc dù đã luồn lách đủ kiểu từ đường Nguyễn Gia Trí ra đường Ung Văn Khiêm, nhưng cuối cùng vẫn phải chôn chân giữa biển người và xe.

"Người chạy lên vỉa hè, người vượt đèn đỏ với mong muốn thoát kẹt nhưng càng khiến giao thông rối loạn thêm. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng cần sớm mở rộng đường Ung Văn Khiêm và các tuyến đường, hẻm lân cận. 

Sau đó cần tăng cường kiểm tra để răn đe các trường hợp vi phạm giao thông", anh Tiến đề xuất.

  • Mở rộng đường Ung Văn Khiêm, lối thoát kẹt xe cho quận Bình Thạnh?  第2张

    Trả phí đi đường trên cao để tránh kẹt xe: tại sao không?ĐỌC NGAY

Liên quan vấn đề quy hoạch, chuẩn bị các dự án giao thông nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe ở quận Bình Thạnh, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã có kế hoạch nâng cấp và mở rộng một số đường trong khu vực như mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13, đường Chu Văn An và đường ven sông Sài Gòn.

Cụ thể với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu) được quy hoạch chiều rộng 30 - 40m, hiện tại đường rộng 16 - 22m. 

Đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn đường Điện Biên Phủ đến cầu Bình Triệu) được quy hoạch rộng 25m, hiện trạng rộng khoảng 21m.

Cơ quan chức năng cũng đang tính toán nghiên cứu thêm phương án làm đường trên cao với hai tuyến này để giảm khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã đề xuất UBND TP đưa hai tuyến đường trên vào kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên làm trong giai đoạn 2024 - 2030, với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỉ đồng.

Đồng thời TP.HCM chi hơn 1.000 tỉ đồng cải tạo đoạn 600m đường Chu Văn An (kéo dài từ ngã năm Bình Hòa đến đường Đinh Bộ Lĩnh). Hiện trạng tuyến đường này không đồng bộ và được chia làm nhiều đoạn nhỏ, "bị thắt cổ chai". 

Khi hoàn thiện, dự án sẽ chia lửa cho khu vực đường Ung Văn Khiêm thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe.

Mở rộng đường Ung Văn Khiêm, lối thoát kẹt xe cho quận Bình Thạnh?  第3张

Lực lượng cảnh sát giao thông có mặt phân luồng tại giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Gia Trí tối 9-10 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m

Cuối năm 2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã công bố kế hoạch làm dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m và xây nút giao Đài liệt sĩ theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui để xóa điểm kẹt xe dai dẳng. Việc này được nhiều người dân ủng hộ.

  • Mở rộng đường Ung Văn Khiêm, lối thoát kẹt xe cho quận Bình Thạnh?  第4张

    Giải quyết kẹt xe ở TP.HCM, cần xử lý ngay nút thắt cổ chai và lấn chiếm lề đườngĐỌC NGAY

Cụ thể theo kế hoạch, đường Ung Văn Khiêm dài 1,7km, từ nút giao ngã năm Đài liệt sĩ đến khu du lịch Tân Cảng (quận Bình Thạnh) vào trung tâm TP.HCM. 

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND TP xem xét việc ưu tiên mở rộng đường này lên 30m với tổng vốn 2.396 tỉ đồng, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền.

Nhà đầu tư sẽ huy động vốn làm dự án, còn TP.HCM sẽ thanh toán sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán với thời gian 5-10 năm.

Chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.300 tỉ đồng (vốn nhà nước tham gia với tỉ lệ 50%).

Tương tự, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất UBND TPHCM xây dựng nút giao Đài liệt sĩ theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui và mở rộng các tuyến đường nhánh quanh nút giao. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.000 tỉ đồng.

Làm thêm biển báo chỉ dẫn các đường hẻm, lối thoát

Trong thời gian chờ TP.HCM cân đối vốn để làm các dự án, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm và tập trung phân luồng giao thông vào giờ cao điểm để giảm kẹt xe.

Bên cạnh đó làm thêm biển báo chỉ dẫn (các đường hẻm, lối thoát), sơn đường, lắp đặt camera giám sát. Đồng thời tiếp tục làm đề án liên quan vận tải hành khách công cộng cùng với kiểm soát xe.

Việc tuyên truyền và xử lý lỗi của người đi đường sai luật cũng sẽ nâng cao ý thức về trật tự an toàn giao thông.

Các đội nhóm phản ứng nhanh và cảnh sát giao thông khu vực lân cận sẽ tiếp nhận thông tin, xử lý nhanh chóng các sự cố, tai nạn giao thông, kẹt xe.

Việc quản lý tốt lòng đường, vỉa hè của địa phương cũng là những giải pháp tốt, lâu dài để giải quyết tình hình giao thông quá tải...