Trao đổi với báo chí vào chiều 14/9, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc tâm sự rằng, bão lũ đổ về khi Trung thu đã rất gần. Bánh nướng, bánh dẻo đã làm rồi nhưng trẻ em miền Bắc, đặc biệt là trẻ em các tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ gần như đã mất hẳn mùa Trung thu.
Khi ảnh hưởng lũ lụt, nhiều hoạt động vui Trung thu trở thành thứ yếu nhưng giáo dục thông qua nghệ thuật, vui chơi giải trí vẫn là nhu cầu của trẻ em. Chương trình "Trung thu không xa cách" đáp ứng yêu cầu này, vừa trọn vẹn về mặt cảm xúc, giá trị nghệ thuật; vừa hướng các em nhỏ đến việc biết chia sẻ yêu thương với các bạn bị ảnh hưởng do bão lũ, thiên tai. Tại chương trình vẫn có biểu diễn nghệ thuật, vẫn có múa lân sư rồng, rước đèn ông sao, đồng thời có nhiều hoạt động nhằm phát huy tinh thần "tương thân, tương ái".
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Tự Long, ca sĩ Hà Myo và Lâm Tùng trong buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh: NHK
Và mặc dù việc lên kế hoạch tổ chức chương trình hơi gấp gáp nhưng anh đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nghệ sĩ như: ca sĩ Hà Myo, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam…
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc cũng nhấn mạnh, "Trung thu không xa cách" được Nhà hát Kịch Việt Nam chủ trì tổ chức theo gợi mở của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam về việc triển khai các hoạt động hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ bằng chuyên môn của nghệ sĩ, không chỉ dừng ở việc kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng và hỗ trợ người dân. Đây cũng là chương trình nghệ sĩ chung sức vì cộng đồng, tiếp nối thành công của chuỗi chương trình "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" đã được thực hiện rất thành công trong đợt đại dịch Covid-19.
Tiết lộ về nội dung chương trình, Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long cho biết, chương trình Trung thu đặc biệt này sẽ có các nghệ sĩ từ rối, xiếc, ảo thuật, các nghệ sĩ đạt giải CLB sao tuổi thơ, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam...
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc và Tự Long mong muốn mang lại chương trình ý nghĩa, bổ ích cho trẻ em. Ảnh: NHK
"Chúng tôi mong muốn dựng tiểu phẩm về sự sẻ chia trong bão lũ, có thể là hình ảnh người chiến sĩ đi cứu trợ, sự cảm thông sẻ chia của 2 cậu bé bỏ tiền tiết kiệm của mình với đồng bào vùng lũ, có thể là những câu chuyện đã xảy ra trong thời gian vừa qua, vừa toát lên tinh thần chia sẻ, tình đoàn kết, tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta.
Thông qua chương trình, chúng tôi mong các em nhỏ vẫn có một mùa Trung thu đáng nhớ, bên cạnh cảm xúc thì các em nhỏ còn có nhận thức về sự sẻ chia. Nhiều người luôn có cách đóng góp riêng của mình, cách sẻ chia riêng của mình đối với cộng đồng, người nghệ sĩ đóng góp lời ca tiếng hát, kết nối với hàng trăm nghìn bạn nhỏ có thể xem, giao lưu với các bạn ở vùng bị thiệt hại lũ lụt thiên tai. Dù khó khăn, vừa trải qua lũ lụt kinh hoàng nhưng chúng ta vẫn cần sức mạnh tinh thần để vượt qua", Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long nói thêm.
Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long: "Chúng ta vẫn cần sức mạnh tinh thần để vượt qua bão lũ"
Theo cả hai nghệ sĩ, phụ huynh và trẻ em đến xem trực tiếp chương trình tại Nhà hát Hồ Gươm, ngoài việc ủng hộ thông qua hình thức mua vé còn có thể ủng hộ bằng hình thức mua sách, vở, đồ dùng học tập để ủng hộ. BTC liên hệ với các nhà xuất bản, nhà sản xuất đồ dùng, dụng cụ học tập để tổ chức các quầy bán sách, đồ dùng học tập tại Nhà hát trong đêm biểu diễn.
"Trung thu không xa cách" là chương trình tạp kỹ với nhiều loại hình nghệ thuật. Ảnh: NHK
Được biết, hiện tại các nghệ sĩ đang tập trung dốc sức tập luyện để có một chương trình trọn vẹn cả về nghệ thuật lẫn hoạt động thiện nguyện. Chương trình sẽ được livestream trên kênh cá nhân của Nghệ sĩ Nhân dânn Xuân Bắc, Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, YAN, Câu chuyện Hà Nội và nhiều kênh Youtube và của YAN… Việc phát trực tiếp chương trình cũng là món quà nhiều ý nghĩa của các nghệ sĩ dành tặng khán giả, đặc biệt là trẻ em trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Trong cùng diễn biến, nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa trong việc hỗ trợ người dân chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ xây dựng kế hoạch tổ chức 6 chương trình nghệ thuật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các chương trình nghệ thuật phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thể hiện đạo lý tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc, kêu gọi nhân dân cả nước đồng lòng hướng về hỗ trợ đồng bào và các địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ.
Tiền quyên góp và một phần tiền bán vé trong quá trình tổ chức các chương trình nghệ thuật sẽ gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, yêu cầu công khai, minh bạch về tài chính.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành, thực hiện triển khai đến 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn".
Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam biểu diễn đêm nhạc "Hà Nội - Những tháng năm" tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20h ngày 20/9. Ảnh: NHĐĐ
Đăng thảo luận