Khi nhìn thấy các cụ hưu trí làm thơ, khi nhìn thấy nhiều người bỏ tiền ra tự in sách... có cảm giác người Việt ta ham viết, sách vở người Việt bây giờ in nhiều thật.
Cũng cùng tâm trạng đó, khi vào hiệu sách lớn, thấy sách vở bày la liệt, ta cứ nghĩ là "ghê thật, người Việt giờ viết sách khủng khiếp ghê".
Nhưng thật ra tình hình không phải vậy.
Nhìn kĩ vào các kệ sách, ta sẽ thấy sách được xuất bản có đến quá nửa là sách dịch, sách mua bản quyền từ nước ngoài. Tôi không tìm được số liệu thống kê chính xác nhưng theo ước đoán của tôi số sách của người Việt được xuất bản có lẽ chiếm không tới 40%.
Các bạn thử nhìn ra xung quanh xem ở Việt Nam có bao nhiêu người viết sách?
Rất ít!
Rất nhiều người có bằng cấp cao nhưng không viết gì.
Ngay cả ở các trường học, các viện nghiên cứu số người viết sách, xuất bản cũng không phải là lớn. Tôi đã từng đọc được 4, 5 cuốn kỉ yếu thống kê các công trình của các cán bộ, giảng viên của một số đại học và thấy họ xuất bản rất ít. Phần lớn xuất bản phẩm là các bài báo trên tạp chí, các bài hội thảo hoặc giáo trình, ít có sách chuyên khảo và sách khai sáng (sách viết về chuyên môn nhưng hướng về đại chúng). Thậm chí có người thấy thống kê ở đó chỉ có 1-2 bài báo dù tuổi đã khá cao (trên 70 tuổi).
Tôi cũng có một tật khá xấu kể từ khi nghiên cứu về văn hóa đọc là mỗi khi đọc tác giả nào người Việt cũng thử thống kê xem họ viết bao nhiêu cuốn và tôi phát hiện số lượng người Việt Nam viết và dịch trên 50 cuốn trở lên rất ít.
Tôi cũng để ý thấy ai mà viết, dịch các tác phẩm đồ sộ cũng thường rơi vào những người "thoát li thế tục" như nhà sư, linh mục...
Ảnh minh hoạ: VietNamNetTức là người Việt chúng ta không chỉ lười đọc mà còn rất lười viết. Chủ đề viết của người Việt vì thế cũng rất nghèo nàn và hạn hẹp. Rất nhiều người Việt có kinh nghiệm hay, cuộc đời sóng gió hay phong phú nhưng họ lại không hề có trước tác. Họ muốn chôn vùi trải nghiệm ư? Không đúng, vì họ luôn kể cho người khác nghe, có điều họ không viết.
Điều này khác với ở các nước khác, ví dụ như Nhật Bản, nơi tôi có thời gian trải nghiệm. Người ta có thể viết về chuyện sửa xe đạp, nuôi mèo hay thậm chí là nuôi bọ hung. Họ viết, kể lại tất tần tật mọi thứ. Vậy nên, trước khi bắt tay làm việc gì, chỉ cần vào thư viện của họ gõ vài từ khóa là có thể thoải mái đọc những gì mà người ta đã làm có liên quan đến vấn đề mình sắp làm, sắp giải quyết. Rất tiện và gợi mở nhiều thứ.
Tất nhiên, số lượng bài viết hay tác phẩm trong một vài trường hợp không nói lên nhiều vấn đề. Anh viết 1.000 câu thơ dở không bằng viết được một câu thơ hay. Anh viết 1.000 cuốn sách dở không bằng để cho xã hội một cuốn sách sâu sắc, có giá trị. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng lớn lâu dài mà chỉ có 1, 2 tác phẩm.
Thậm chí, "cực đoan" hơn một chút thì có những nhà tư tưởng vĩ đại, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển, đời sống của nhân loại lâu dài lại chỉ "nói" mà không hề viết, không hề để lại cuốn sách nào do chính tay họ viết như Đức Phật Thích Ca, Chúa Giê-su, Socrates...và có lẽ cả Khổng Tử.
Đấy là xét ở phạm vi cá nhân, hoặc phạm vi rất hẹp. Xét trên diện rộng, trên bình diện khái quát, rõ ràng số lượng tác phẩm, sự liên tục ra đời của tác phẩm, sự xuất hiện liên tiếp về số lượng, về tác giả có vai trò rất lớn.
Đơn giản vì lượng là biểu hiện của chất (chứ không chỉ đơn thuần là ngược lại như người ta hay nói). Cái này có thể thấy rõ trong cả tự nhiên lẫn xã hội. Sự "tích lũy tư bản" của tri thức, kinh nghiệm, tư tưởng, phong cách, khả năng biểu đạt, kĩ thuật biểu đạt cũng quan trọng hệt như sự tích lũy tư bản trong kinh tế.
Nói nôm na là không có nền thì không có đỉnh; không có rộng thì không có sâu; không có nhiều thì không có tinh hoa; không có dồi dào thì không có lựa chọn và chất lượng.
Nói tóm lại, trong thế kỉ 21 này người Việt cần viết nhiều hơn, đọc nhiều hơn nữa.
Điều những người như nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh nêu ra đầu thế kỉ 20 rất có lý. Các cụ theo đuổi khoa cử trước kia lười viết đã là một nhẽ, trách các cụ cũng chẳng đi đến đâu, cái đáng làm , đáng quan tâm của người Việt thức thời đương đại là phải viết bằng quốc văn, phải tạo ra tác phẩm của người Việt.
Theo cụ chữ Quốc ngữ tuy có nhiều cái hay nhưng cũng có cái dở. Cái dở nhất của nó là nó tuy được tạo ra từ trước nhưng mới được dùng phổ biến và được công nhận rộng rãi gần đây nên nó thiếu tác phẩm, mà nói theo kiểu hiện đại bây giờ là thiếu nội dung. Vậy nên người Việt phải dịch, phải viết cho thật nhiều, thật hay, thật phong phú để tạo ra nội dung cho nó.
"Nội dung là vua" - dân tiếp thị, dân viết nội dung quảng cáo rỉ tai nhau thế.
Nhưng thật ra ngay cả chơi Facebook, Youtube, Tiktok… nội dung sáng tạo của người Việt cũng ít, hàng nhái theo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phương Tây là nhiều, mà trong nhiều trường hợp nhái cũng rất dung tục và thô thiển.
Không có trình độ nội lực không thể tạo ra nhiều nội dung và tạo ra nội dung hay.
Rất nhiều người sau khi không còn đi học đã không cầm bút hay bấm phím viết gì nữa. Sau các bài văn viết để trả bài cho thầy cô, để thi, trọn đời họ không viết gì ngoài các tin nhắn xoay quanh chuyện áo cơm trên điện thoại, một vài mục trong cuốn sổ ghi nợ, một vài dòng lí lịch trong tờ khai làm các thủ tục hành chính...
Đấy là một nghịch lý khi so sánh với số giờ dành cho môn Văn, Tiếng Việt ở trường phổ thông trong suốt 12 năm cũng như thời gian họ đã học cao đẳng và đại học.
Vậy nên, người Việt cần chăm viết, tận dụng mọi thời gian, không gian, phương tiện xuất bản, xuất thân, nghề nghiệp.
Khi bắt đầu đừng nệ dở hay, cứ viết đi rồi dần dần sẽ tốt.
Nguyễn Quốc Vương
Tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển văn hoáChúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức.
Đăng thảo luận