Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết theo dự luật mới, người nổi tiếng bắt buộc trải nghiệm trực tiếp trước khi quảng cáo mỹ phẩm hoặc thực phẩm.

Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, dự luật hướng đến hoàn thiện cơ chế, chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là đối với quảng cáo từ người nổi tiếng, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội.

Điểm mới trong dự luật trình lần này so với hồi tháng 8 là quy định cụ thể sản phẩm mà người quảng cáo phải sử dụng trực tiếp, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin quảng cáo.

Người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng và tuân thủ quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, những người tham gia vào hoạt động quảng cáo phải minh bạch về thông tin sản phẩm, nguồn thu nhập và sẵn sàng cung cấp tài liệu khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

'Người nổi tiếng phải sử dụng sản phẩm mới được quảng cáo'  第1张

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu sáng 24/9. Ảnh: Media Quốc hội

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với việc siết chặt quy định đối với người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ hơn về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng, đồng thời bổ sung quy định cơ chế xác nhận việc người có ảnh hưởng đã trực tiếp sử dụng sản phẩm và chế tài xử lý vi phạm.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là việc người nổi tiếng đánh giá quán ăn, cửa hàng, đã trở nên phổ biến và cần có những quy định rõ ràng để quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định rằng quy định về quảng cáo đã khá đầy đủ, song tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng vẫn diễn ra phổ biến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ông đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để tránh tình trạng đổ trách nhiệm cho nhau, đồng thời tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì đề nghị ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, từ đó có chế tài khi nội dung thông tin về sản phẩm cung cấp không đúng như thực tế.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay nhiều sản phẩm quảng cáo được chuyển tải theo hướng ý kiến, cảm nhận của người trực tiếp sử dụng để thu hút sự quan tâm của người tiếp nhận. Hình thức quảng cáo thông qua cảm nhận cá nhân của người có ảnh hưởng (Influencer) đã trở nên phổ biến, tác động lớn đến xã hội.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Statista, chi tiêu cho Influencer Marketing tại Việt Nam tăng từ 8 triệu USD năm 2017 lên 71 triệu USD năm 2022 (gấp đôi chi tiêu quảng cáo trên báo in) và dự kiến đạt 134 triệu USD vào năm 2026. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người dùng mạng xã hội (đặc biệt là nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa 13 thông qua tháng 6/2012. Tuy nhiên, luật hiện không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Luật chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu họ tìm hiểu, sử dụng sản phẩm, có trách nhiệm về nội dung mình cung cấp.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.

Sơn Hà