Ký túc xá bỏ hoang biến thành khu "ổ chuột" giữa lòng Hà Nội
Vài ngày qua, nhiều ký túc xá các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội rơi tình trạng "cháy phòng", thậm chí "vỡ trận" khi số lượng tân sinh viên đăng ký chỗ ở quá đông. Đơn cử như ký túc xá Đại Học Bách Khoa Hà Nội nhà trường bố trí khoảng 1.000 chỗ ở cho sinh viên nhưng số lượng sinh viên có nguyện vọng ở ký túc xá lên đến 3.000-4.000 em gây quá tải. Tại nhiều trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp có chi phí đầu tư lên đến 1.900 tỷ đồng và được kỳ vọng cung cấp chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam Thủ đô. Ảnh: Viết Niệm
Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Dân Việt, Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại thưa vắng sinh viên đến đăng ký ở. Dự án này được xây dựng trên khu đất có vị trí đẹp ở phía nam thành phố rộng hơn 40.000 m2, nằm gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3, đường Giải Phóng - là những tuyến đường huyết mạch, gần nhiều trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, tại những khu ký túc xá này lượng sinh viên đến đây vẫn thưa thớt, nhiều phòng để trống và một số tòa nhà đang trong tình trạng xuống cấp. Ảnh: Gia Khiêm
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỉ đồng. Mục đích của dự án là hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên và được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên. Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50 m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).
Dự án được triển khai năm 2009 gồm 6 khối nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6, đến nay mới chỉ có 2 khối nhà được đưa vào sử dụng. Riêng toà nhà A1 dù đã được bàn giao từ 2015 và từng được bố trí làm nơi cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng đến nay đóng cửa im lìm, không hoạt động.
Phòng tiếp nhận hồ sơ vắng vẻ sinh viên đến đăng ký trong khi nhiều ký túc khác tại Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải. Ảnh: Gia Khiêm
4 khối nhà khác đang bỏ hoang. Đa số các tòa nhà chỉ mới được xây xong phần thô, chưa hoàn thiện nội thất. Tầng mái của một số tòa nhà bị đọng nước mưa, phơi nắng dẫn đến thấm dột; nhiều bức tường tại các tòa nhà bị rêu mốc, nứt nẻ, lan can hoen gỉ… Không những thế, sau nhiều năm do thiếu sự quản lý, khu vực xung quanh các khối nhà này dần biến thành khu "ổ chuột", nhiều nơi trở thành thành bãi xe, quán ăn, gara sửa ô tô... với tình trạng nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Trao đổi với PV Dân Việt, một số sinh viên sống trong dự án cho hay, các trường đại học gần dự án nhất là Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân nhưng sinh viên chỉ có thể di chuyển theo trục đường Giải Phóng với khoảng cách 4 - 5km. Với tâm lý muốn ở trọ gần trường, nhiều sinh viên tỏ ra không mặn mà khi dọn về khu vực này sinh sống và học tập.
Bên trong phòng ký túc cho sinh viên. Ảnh: KTX
"Ở đây tạm ổn, giá thuê trọ rẻ, đối với phòng 8 người ở giá chỉ 205.000 đồng/tháng chưa kể điện nước. Ở đây phòng khép kín cũng tiện ích, đầy đủ điện nước và khu vệ sinh. Thứ 4 và thứ 7 hàng tuần có người đến dọn dẹp, vệ sinh. Tuy nhiên trong ký túc xá, căng tin không hoạt động, sinh viên phải ra ngoài ăn. Do nơi trọ khá xa trường nên việc đi lại phụ thuộc nhiều vào xe buýt. Điều này có lẽ phù hợp với các sinh viên năm 1, 2 còn với sinh viên những năm cuối, không ít người vừa đi học, vừa đi làm, không thuận tiện", một sinh viên thuê trọ tại đây chia sẻ.
Bạn Nguyễn Đức Lương chia sẻ, trước đó, đăng ký vào ký túc xá của trường nhưng số lượng đăng ký quá đông nên đã đến Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đăng ký ở. Ảnh: Gia Khiêm
Trao đổi với PV Dân Việt, bạn Nguyễn Đức Lương (quê Bắc Giang, tân sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, trước đó, Lương đăng ký vào ký túc xá của trường nhưng số lượng đăng ký quá đông nên không được.
"Em cũng trực tiếp cùng bạn đi đến các khu nhà trọ tìm thuê nhưng giá phòng quá cao. Phòng rẻ cũng 2,5-3 triệu/tháng, phòng trung bình toàn 4 triệu đồng/tháng. Với những sinh viên ở quê như em tiền thuê phòng như vậy là quá lớn", Lương chia sẻ.
Sinh viên ra vào khu nhà ở sáng 30/8. Ảnh: Gia Khiêm
Qua tìm hiểu Lương đã đến Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đăng ký ở. Để đăng ký tại đây cậu chỉ cần xin phiếu xin đến có dấu đỏ của nhà trường cùng giấy tờ thủ tục ký túc xá yêu cầu.
"Em thấy bảo còn khá nhiều phòng trống. Em cũng tìm hiểu xe buýt đi chặng từ khu ký túc lên đến trường nên không phải bắt nhiều điểm. Tuy có hơi xa chút nhưng giá thuê ở đây khá rẻ. Em nguyện vọng đăng ký phòng 4 người, giá 400.000 đồng/tháng chưa kể điện, nước, dịch vụ", Lương nói thêm.
Lãng phí khu ký túc xá nghìn tỷ cho sinh viên
Trao đổi với PV Dân Việt, một nhân viên đang làm việc tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp cho biết, hiện có 3 đơn nguyên đang hoạt động cho sinh viên thuê. Trong đó, hiện còn hơn 700 phòng trống. Vài ngày tới khu vực này sẽ có đông sinh viên thuê nhưng dự tính vẫn còn dư nhiều phòng không có người thuê.
Khu ăn uống cho sinh viên dừng nhiều tháng nay. Ảnh: Gia Khiêm
"Tâm lý sinh viên muốn ở ký túc xá gần trường hơn nên dù ở đây phòng sạch đẹp, giá thấp nhưng không có mấy sinh viên mặn mà vì hơi xa. Một số dịch vụ như nhà ăn, cafe cũng dừng hoạt động từ nhiều tháng nay", người này tiết lộ.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, sau hơn 10 năm, chỉ có 2 trong số 6 tòa nhà cao tầng có sinh viên thuê ở. Điều này cho thấy, việc khai thác ký túc xá này chưa hiệu quả, gây lãng phí.
Sau nhiều năm do thiếu sự quản lý, khu vực xung quanh các khối nhà này dần biến thành khu "ổ chuột". Ảnh: Gia Khiêm
"Các tòa nhà bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi nguồn lực của thành phố thì hạn hẹp, nhu cầu của sinh viên về ký túc xá rất lớn nhưng nơi cần thì không có, nơi có thì lại trở thành vô nghĩa như vậy", ông Ánh nói.
Ông Ánh cho rằng, tìm cách hoá giải tình trạng lãng phí đang diễn ra tại ký túc xá nghìn tỉ bỏ hoang này là điều nên làm, song theo ông cần lưu ý, tính toán tới quy trình chuyển đổi công năng, tính toán việc vận hành, quản trị công trình sao cho hợp lý.
Một căn nguyên nhà cỏ mục um tùm, bỏ hoang lãng phí. Ảnh: Gia Khiêm
Theo ông Ánh, việc chuyển đổi công năng ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội phải tính đến rất nhiều yếu tố phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những tiện ích điện, đường, trường, trạm đi kèm.
"Cùng với việc đồng bộ hạ tầng nói trên thì chúng ta cần nghĩ tới mô hình quản trị phù hợp, đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo xã hội, tiết kiệm ngân sách nhà nước và để tránh lãng phí cần có giải pháp phù hợp. Việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành các căn hộ khép kín, tiện nghi sẽ là bài toán không dễ với các nhà quản lý, nhưng nếu chuyển đổi được thì sẽ khai thác hiệu quả hơn công trình này, tránh lãng phí những toà nhà nghìn tỉ ở Thủ đô", ông Ánh nói.
Đăng thảo luận