YênBái - Trấn Yên đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh cao. Việc tiếp cận, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể trên địa bàn.
Các trang trại chăn nuôi gà của huyện Trấn Yên sử dụng đệm lót và chế phẩm sinh học nhằm khai thác triệt để các nguồn thu và giảm ô nhiễm môi trường.
Là vùng trồng tre măng Bát độ lớn nhất Yên Bái với khoảng 4.207 ha, chiếm trên 70% tổng diện tích toàn tỉnh, tre măng Bát độ ở Trấn Yên đã và đang trở thành cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, bền vững với chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, giá trị kinh tế từ cây tre măng Bát độ mang lại trên 200 tỷ đồng, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 33.000 tấn/năm.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ là Công ty Cổ phần Yên Thành, Chi nhánh Công ty TNHH Vạn Đạt. Kiên Thành - địa phương đi đầu trồng tre măng Bát độ của huyện Trấn Yên có trên 1.900 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là hơn 1.800 ha, sản lượng năm 2024 dự tính đạt trên 20.200 tấn.
Theo ông Lê Ngọc Chấn - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành, sản xuất theo chuỗi giá trị với cơ chế chính sách hỗ trợ trồng mới, nhất là bao tiêu sản phẩm thông qua liên kết nhà nông - Nhà nước - doanh nghiệp thì ngoài nguồn thu ổn định hàng năm khoảng 100 tỷ đồng còn đem lại giá trị rất lớn về môi trường, đặc biệt là chống xói mòn, phủ xanh đất trống đồi trọc. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu chế biến đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm măng tre Bát độ đã được tiêu thụ tại Nhật Bản, Trung Quốc…
Tại Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Minh Quán, quy trình chăn nuôi tuần hoàn với chuỗi giá trị khép kín thực hiện nghiêm ngặt theo chuẩn VietGAP. Quy mô chăn nuôi tập trung 34.000 con gà thịt mỗi lứa, HTX đang liên kết với gần 30 hộ chăn nuôi trong xã. Anh Nguyễn Tiến Sơn - Giám đốc HTX cho biết: "Áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi giá trị thực sự mang lại hiệu quả cao, đảm bảo phát triển bền vững, trong đó đầu ra là khâu cực kỳ quan trọng đã được giải quyết. Sản phẩm của HTX và các hộ liên kết được các đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu chặt chẽ, không có sản phẩm bán ra ngoài, doanh thu trung bình của HTX đạt trên 30 tỷ đồng/năm”.
Là giai đoạn đầu tiếp cận, kinh tế tuần hoàn (KKTH) trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể trên địa bàn, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Trấn Yên đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh cao. Một số vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của huyện cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Huyện có gần 150 doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến măng của Công ty Yamazaki Việt Nam, Công ty TNHH Vạn Đạt; Nhà máy ươm tơ của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái hoàn thành, đi vào hoạt động đã góp phần củng cố chuỗi liên kết sản xuất bền vững.
"Chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” là mục tiêu, quan điểm của Đề án "Phát triển KTTH ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ban hành tháng 6/2022 : Thực hiện Đề án này, Trấn Yên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTTH trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương mà các mô hình trên đang vận hành là một ví dụ.
Xác định phát triển KTTH là xu hướng tương lai, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTTH, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò động lực trung tâm sản xuất các sản phẩm phù hợp, có khả năng tái sinh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhân rộng các mô hình KTTH, hiệu quả KTTH; lồng ghép mục tiêu KTTH vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, chương trình sản xuất hữu cơ, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”.
Huyện chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, giảm sử dụng các vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và xử lý triệt để chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, huyện lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện KTTH trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên để xây dựng mô hình, lộ trình thực hiện KTTH.
Ngoài vùng trồng tre măng Bát độ, vùng trồng dâu, nuôi tằm của huyện Trấn Yên đã phát triển được gần 900 ha, chiếm trên 72% diện tích dâu toàn tỉnh, sản lượng kén đạt 1.400 tấn, giá trị trên 250 tỷ đồng; vùng quế đạt trên 20.000 ha, trong đó có 9.000 ha vùng quế hữu cơ, 2.400 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ; có 1.730 ha rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững…
Minh Thúy
Tags Phát triển kinh tế tuần hoàn Trấn Yên
Đăng thảo luận