Thời gian qua, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong thực hiện công tác cải cách hành chính.
Qua đó không chỉ tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; tạo sự hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.
Cán bộ làm việc tại các bộ phận một cửa của huyện Phú Bình đều xử lý công việc trên máy vi tính và các phần mềm chuyên dùng.
Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, huyện Phú Bình đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chương trình chuyển đổi số, gắn với CCHC. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai, thực hiện.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức, hình thành “văn hóa số” cho người dân và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bà Đào Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Phú Bình, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm xây dựng, duy trì 6 chuyên mục, phát gần 150 tin, bài về chuyển đổi số trên hệ thống đài truyền thanh huyện và đăng tải khoảng 50 tin, bài, văn bản trên Cổng thông tin điện tử của huyện.
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, Phú Bình còn tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ quan, đơn vị để thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đến nay, 100% cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện đều được trang bị máy vi tính, kết nối Internet để phục vụ giải quyết công việc. 100% các xã, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng, có mạng wifi tại trụ sở UBND và có đường truyền số liệu chuyên dùng.
Bộ phận Một cửa của huyện và các xã, thị trấn đã triển khai lắp đặt 46 camera để giám sát quá trình cán bộ, công chức thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, không để xảy ra các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC...
Trong hoạt động của chính quyền điện tử, chính quyền số, huyện Phú Bình đã chỉ đạo duy trì, vận hành ổn định Cổng thông tin điện tử của huyện và 20 xã, thị trấn. Việc quản lý và công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, kịp thời thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Phú Bình.
100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn huyện và 100% cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện được cấp tài khoản truy cập các ứng dụng.
Các nền tảng họp trực tuyến, nền tảng số quản trị phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ, nền tảng giám sát trực tuyến trong hoạt động của chính quyền số tiếp tục được triển khai.
Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã phối hợp triển khai trên 10 hội nghị truyền hình từ Trung ương đến các xã, thị trấn trên nền tảng họp trực tuyến, qua đó giảm chi phí, thời gian hội họp.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã triển khai, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Kết quả từ đầu năm đến nay, trên hệ thống thông tin giải quyết trực tuyến của toàn huyện Phú Bình đã tiếp nhận trên 30 nghìn hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, chiếm trên 95% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận. Trong đó, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã được giải quyết đạt trên 90%; mức độ hài lòng của người dân đạt 100%.
Hiện nay, 100% cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đều được cấp chứng thư số và thực hiện ký số theo đúng quy định.
Cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị thường xuyên sử dụng chữ ký số được cấp để thực hiện ký các văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành; ký số hóa, trả kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của đơn vị và các giao dịch điện tử khác.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Bình, cho biết: Việc thực hiện chính quyền điện tử trên địa bàn huyện đã giảm thiểu thời gian xử lý văn bản, giấy tờ; giúp lưu trữ hồ sơ, văn bản khoa học, dễ tìm kiếm.
Đồng thời tạo phương thức làm việc mới, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu dùng văn bản giấy, thời gian xử lý công việc nhanh chóng, thuận tiện, qua đó tạo bứt phá trong quá trình thực hiện CCHC về xây dựng chính quyền điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Phú Bình ngày càng phát triển.
Theo Quỳnh Trang (Báo Thái Nguyên)
Đăng thảo luận