Đôi khi hạnh phúc không quá khó tìm kiếm như chúng ta tưởng, thậm chí chỉ cần dừng một số việc thường làm cũng khiến cuộc sống tốt hơn.

Theo Alexandra Blogier, chuyên gia tâm lý của ĐH Emerson (Boston, Massachusetts, Mỹ), để cuộc sống hạnh phúc hơn, có một số thói quen nên dần từ bỏ.

Tập trung vào thành công của người khác

Khi hàng xóm đi một chiếc xe mới trong khi bạn lái chiếc xe rẻ tiền, bạn sẽ bắt đầu so sánh. Dù việc so sánh với người khác là điều bình thường, nhưng nếu nghiên cứu kỹ đây lại là thói quen tự hủy hoại khiến bạn cảm thấy những gì mình đang có là chưa đủ và sau đó là những ngày sống trong sự bực bội, khó chịu, ganh ghét.

Ở trong vùng an toàn quá lâu

Mọi người đều biết điều gì khiến mình cảm thấy an toàn và hài lòng. Giữ cho bản thân an toàn cũng là bản năng của con người nhưng quá lâu không thử thách bản thân dẫn đến cảm giác trì trệ và thiếu cảm hứng.

Để phát triển cá nhân, bạn nên thử những điều khiến mình sợ hãi. Càng đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn, chúng ta càng nhận ra mình có thể xử lý những tình huống khó khăn.

Để thoát khỏi vùng an toàn bạn nên đặt mục tiêu cho mình. Kết quả một nghiên cứu năm 2021 công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy, những nhà quản lý đặt ra các mục tiêu cao, cụ thể tại nơi làm việc sẽ thấy động lực, tính kiên trì và hiệu suất công việc tăng lên, so với việc đặt ra các mục tiêu mơ hồ hoặc dễ dàng.

Không đặt mục tiêu có thể khiến bạn cảm thấy như mình không có định hướng trong cuộc sống, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và cảm giác tự tin. Bằng cách đặt mục tiêu cho bản thân và nỗ lực đạt được chúng, bạn có thể tìm thấy sự viên mãn và niềm vui khi bạn tiến gần hơn đến việc xây dựng cuộc sống bản thân mong muốn.

Tự nói chuyện tiêu cực

Một nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports cho thấy tự nói chuyện tích cực có tác động có lợi đến khả năng điều hòa cảm xúc, nhận thức và sự chú ý, nhưng tự nói chuyện tiêu cực lại có liên quan đến kết quả kém về mặt cảm xúc và tâm lý. Điều này sẽ làm xói mòn lòng tự trọng của bạn. Nó bóp méo thực tế theo cách khiến bạn nghĩ cuộc sống của mình thật khốn khổ, ngay cả khi những điều tốt đẹp xảy ra.

Bằng cách thực hành sự tử tế với bản thân và nói chuyện với chính mình một cách nhẹ nhàng và khích lệ, bạn có thể thay đổi nhận thức của mình theo hướng tốt hơn.

Thói quen nên từ bỏ để cuộc sống tốt hơn  第1张

Thể thao, chăm sóc sức khỏe là thói quen có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh. Ảnh minh họa: Pexels

Bỏ bê sức khỏe

Việc gạt nhu cầu của chính mình xuống hàng thứ yếu và không chú ý đến những thông điệp mà cơ thể và tâm trí đang gửi đi chính là con đường dẫn trực tiếp đến tình trạng kiệt sức, căng thẳng tột độ và đau khổ về mặt cảm xúc và tâm lý.

Bạn cần ngủ đủ giấc, vận động cơ thể và nạp năng lượng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn xứng đáng được sống một cuộc sống đích thực, nơi bạn phát triển và tỏa sáng.

Không buông bỏ quá khứ

Hối tiếc là một phần bản chất của con người nhưng việc luôn nghĩ về những sai lầm quá khứ và không tha thứ cho bản thân khiến bạn gần như không thể sống ở hiện tại.

Suy ngẫm về quá khứ không thay đổi được những gì đã xảy ra. Nó chỉ khiến bạn mắc kẹt trong một kiểu suy nghĩ tự chỉ trích và tự ghét bản thân. Giữ chặt những cảm xúc cũ không cho phép bất kỳ sự phát triển hay thay đổi tích cực nào.

Nếu muốn tránh một cuộc sống tiêu cực, bạn nên tha thứ cho bản thân về quá khứ và hướng tới những gì tương lai nắm giữ.

Lảng tránh những cuộc trò chuyện thẳng thắn

Càng tránh những cuộc trò chuyện thẳng thắn, bạn càng tích tụ các vấn đề cho đến khi không thể vượt qua. Không đối mặt trực tiếp với xung đột thường tạo ra cảm giác oán giận sâu sắc và hiểu lầm nghiêm trọng. Cảm giác bực tức khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ.

Để vượt qua điều đó, tốt nhất là hãy xác định những gì bạn muốn nói và những gì bạn hy vọng nhận được từ cuộc trò chuyện. Trong cuộc trao đổi nên bình tĩnh, giữ đầu óc cởi mở và đặt những câu hỏi làm rõ. Việc tham gia cuộc trò chuyện với thái độ tò mò và không phán xét là rất quan trọng để tìm ra giải pháp.

Bỏ bê các mối quan hệ

Nghiên cứu do Đại học Harvard thực hiện từng chỉ ra tầm quan trọng của các mối quan hệ. Theo đó, những người gắn bó hơn với gia đình, bạn bè và cộng đồng thường hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn về mặt thể chất so với những người ít gắn bó.

Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta có thể xếp một số mối quan hệ vào sau những thứ có vẻ cấp bách hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, không gì quan trọng hơn việc giữ những người thân yêu của chúng ta ở gần.

Việc bỏ bê các mối quan hệ dẫn đến sự cô lập xã hội, điều này gây bất lợi cho ý thức về bản thân và sức khỏe cảm xúc của chúng ta. Bằng cách vun đắp mối quan hệ với mọi người trong cộng đồng của mình, bạn có thể tránh được cuộc sống cô độc và buồn bã.

Không biết ơn

Biết ơn có một giá trị mạnh mẽ. Nếu chúng ta không trân trọng những gì mình có, chúng ta sẽ cảm thấy bất mãn và không hài lòng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng hay vui vẻ nhưng ngay cả trong những lúc khó khăn, vẫn có những khía cạnh trong cuộc sống mà chúng ta có thể biết ơn: Những người bạn để chúng ta khóc mà không sợ bị phán xét, có một ngôi nhà an toàn để ẩn náu, một tách trà ấm hoặc một bữa ăn bổ dưỡng.

Không biết ơn là thói quen khiến cuộc sống trở nên khổ sở, trong khi bày tỏ lòng biết ơn là cách đơn giản và dễ thực hiện để có cuộc sống hạnh phúc.

Thùy Linh (Theo Yourtango)