Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp, đặc biệt hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ do lối sống ít vận động, chế độ dinh dưỡng không khoa học.

Thoái hóa khớp gối: Ăn xương có bổ xương?  第1张

Khi phát hiện mình có triệu chứng thoái hóa khớp, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám - Ảnh: T.T.D.

Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây giảm hoặc mất khả năng lao động, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí tàn phế suốt đời.

Cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị

Theo các bác sĩ khoa nội cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp, kèm phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.

Tình trạng thoái hóa khớp thường gặp nhất do vị trí khớp lớn và luôn phải chịu áp lực để cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.

Theo đó, thoái hóa khớp gối có thể nhận biết qua triệu chứng đau mặt trước hoặc trong khớp gối, cơn đau sẽ tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng.

Người bệnh cảm nhận được có tiếng kêu lục khục khi cử động khớp. Khớp cứng và khó cử động sau khi bất động lâu. Khớp gối có thể bị sưng to.

Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.

Điều trị thoái hóa khớp gối bên cạnh việc dùng thuốc, vật lý trị liệu thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong phác đồ. Tùy từng tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.

Người bị thoái hóa khớp gối nên ăn gì?

Đây là câu hỏi thường gặp ở nhiều người, để việc điều trị hiệu quả, bên cạnh tuân thủ phác đồ, người bệnh cần có chế độ ăn khoa học giúp kiểm soát tình trạng thừa cân, giảm tình trạng thoái hóa tiến triển nặng và giảm sưng viêm, đau nhức vùng khớp gối.

Thoái hóa khớp gối: Ăn xương có bổ xương?  第2张

Nên ăn và kiêng gì khi bị thoái hóa khớp gối - Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Theo điều dưỡng Hồng Hạnh, khoa nội cơ xương khớp, người bị thoái hóa khớp gối nên sử dụng các loại thực phẩm sau:

- Các loại cá nước mặn: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích là những thực phẩm có chứa nhiều acid béo omega-3 (một loại chất kháng viêm hiệu quả). Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên ăn ít nhất 3 bữa cá/tuần.

- Nước hầm xương ống: các loại nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò, bê cung cấp rất nhiều glucosamin và chonroitin, đây là những hợp chất tự nhiên cấu thành sụn. Đồng thời, những món ăn này còn bổ sung cho cơ thể lượng canxi dồi dào tốt cho hệ xương khớp.

Người bệnh thoái hóa khớp gối có thể bổ sung luân phiên các loại thịt heo, thịt gia cầm, tôm, cua để chế độ dinh dưỡng thêm đa dạng.

  • Khớp kêu lạo xạo, cẩn trọng thoái hóa khớp

- Các món ăn từ thực vật: người bệnh nên thêm đầy đủ các loại ngũ cốc, đậu nành, rau xanh vào bữa ăn hằng ngày. Đây đều là những loại thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa rất tốt.

- Trái cây: đu đủ, dứa, chanh, cam chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C, đây là những hoạt chất tự nhiên giúp kháng viêm hiệu quả cũng như tăng cường độ dẻo dai cho các khớp.

Hiện nay các nhà khoa học còn khám phá ra công dụng của hỗn hợp bơ và đậu nành trong việc chữa trị thoái hóa khớp gối. Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy các chất trong bơ và đậu nành có khả năng kích thích tế bào sụn sinh sản collagen - một thành phần protein chính trong sụn, gân, xương.

Người bị thoái hóa khớp gối nên kiêng ăn gì?

Để ngăn chặn sự tiến triển nặng của quá trình thoái hóa và giảm các cơn đau của thoái hóa khớp gối, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm sau:

- Thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt chó, thịt dê…), khi chuyển hóa chúng sẽ sản xuất ra các tinh thể urat, tinh thể canxi, phospho… Những dạng tinh thể này dư thừa sẽ trung hòa, lắng đọng tại khớp gây viêm, đau và làm sự thoái hóa tiến triển nhanh hơn.

- Thức ăn chế biến sẵn chứa chất béo công nghiệp: Đồ nướng, khoai tây chiên, các loại thực phẩm chiên làm tăng tình trạng viêm khớp, đặc biệt là tăng cân. Khi tăng cân, sức nặng đè lên khớp gối càng lớn khiến bộ phận này trở nên thoái hóa.

Ngoài ra, ở cơ thể của những người béo phì chứa một lượng mỡ dư thừa khá lớn, sản sinh các chất gây viêm, làm tăng quá trình thoái hóa sụn khớp.

- Thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrate (bánh quy, bánh ngọt, chè…) làm cản trở việc hấp thu canxi, làm tổn thương các protein trong cơ thể, gây viêm, khiến hệ cơ xương khớp yếu đi.

- Ăn mặn với thực đơn có nhiều muối khiến xương giòn và dễ gãy, đồng thời làm tăng tình trạng viêm, dẫn đến đau đớn hơn.

- Rượu, bia, cà phê và các loại nước ngọt có gas gây hại cho những người bị thoái hóa khớp gối, viêm khớp hoặc bệnh gút. Nếu tiêu thụ chúng trong một thời gian dài khiến triệu chứng đau thêm trầm trọng, việc điều trị trở nên phức tạp.