Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 8/2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên và Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tổ chức (ngày 28/8), ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Thái Nguyên có 677 trường học từ cấp mầm non đến THPT với tổng số 333.238 học sinh, giảm 1.674 em so với cùng kỳ năm học trước; có 600/677 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 88,63%); đội ngũ cán bộ, giáo viên có gần 26.000 người, cơ bản đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Hội nghị giao ban báo chí ngày 28/8 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Ảnh: Hà Thanh
Ông Hưng nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên báo cáo các nội dung chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hà Thanh
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, ông Hưng cho biết, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm hoàn thành tiến độ theo kế hoạch của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.
Cùng với đó, đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
"Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó, ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú", ông Hưng nhấn mạnh.
Năm học 2024 - 2025 ngành giáo dục Thái Nguyên sẽ tập trung củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Ảnh: D.T
Bên cạnh đó, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế, kiến nghị bổ sung biên chế còn thiếu so với định mức.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận