Số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng IELTS ở nhiều trường đại học tăng hàng năm, mốc điểm 7.0 trở lên ngày càng nhiều.
TS Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), cho biết năm nay trường nhận gần 12.000 hồ sơ có chứng chỉ IELTS, tăng gần 1.000 so với năm ngoái.
Chứng chỉ này được NEU dùng xét kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc thay thế môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Đức, dù mức sàn là 5.5 (được quy đổi thành 8/10điểm), khoảng 85% thí sinh đạt từ 6.5 IELTS trở lên.
"Nhóm có 5.5 IELTS nếu muốn đỗ thì điểm hai môn còn lại phải rất cao vì điểm chuẩn của trường thường không dưới 26", ông Đức nói.
Trong 7 năm qua, số thí sinh có IELTS vào Kinh tế Quốc dân "tăng dựng đứng". Bởi năm 2017, trường chỉ có 50 hồ sơ diện này, hai năm sau lần lượt là 400 và 2.000.
Trường Đại học Thủy lợi (TLU) cũng ghi nhận xu hướng tương tự, dù mức tăng nhẹ hơn. TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết năm nay hơn 500 thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đăng ký vào trường, tăng vài chục em so với năm ngoái. Điểm IELTS phổ biến ở mức 5.5-7.5, trong khi trường nhận hồ sơ từ 5.0.
Trường Đại học Ngoại thương (FTU) chưa có số liệu đầy đủ về số thí sinh sử dụng IELTS năm nay. Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường cũng ghi nhận rất nhiều thí sinh có IELTS từ 7 trở lên. Ngưỡng sàn của trường là 6.5, nhưng để trúng tuyển, các em thường phải đạt 7. Nhiều thí sinh theo dõi biến động điểm chuẩn của trường, nắm bắt được ngưỡng an toàn, nên số nộp vào hầu hết điểm cao.
Ở phía Nam, trường Đại học Việt Đức (VGU) xét tuyển bằng IELTS từ năm 2021. Trong năm đầu, gần 800 thí sinh đăng ký, tới 2024 tăng bốn lần, lên gần 2.600. Trường cho biết nhóm có điểm từ 7.0 tăng liên tục, từ 24,8% tổng số thí sinh (năm 2021) lên 53,6% (năm 2024).
Tại trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia TP HCM, theo TS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, số thí sinh có IELTS tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2023, từ 133 lên gần 2.700. Năm nay, con số có xu hướng chững lại với 2.400 hồ sơ.
Song, số lượng điểm từ 7.0 trở lên không ngừng tăng. Năm 2020, nếu chỉ 22 thí sinh đạt từ 7.0 IELTS trở lên, tới 2021 tăng lên 129, ba năm gần đây trong khoảng 305-863. Năm ngoái, lần đầu trường có thí sinh đạt 8.5 đăng ký.
"Có thể năm ngoái điểm chuẩn cao, nên thí sinh điểm thấp có phần e dè. Chỉ những em điểm cao mới tự tin nộp", ông Tiến nhận định việc số thí sinh có IELTS nộp vào trường năm nay giảm nhẹ, nhưng số điểm cao lại tăng mạnh.
Các chuyên gia đều cho rằng số thí sinh có IELTS tăng cả về "chất và lượng".
PGS.TS Vũ Thị Hiền cho rằng có ba lý do khiến thí sinh đăng ký xét tuyển bằng IELTS ngày càng đông.
Thứ nhất, thí sinh ngày càng nhận thức được mức độ phổ biến của IELTS cũng như các chứng chỉ quốc tế khác. Hai là công tác tư vấn, định hướng của giáo viên phổ thông cũng sát sao. Lý do thứ ba là các trường duy trì ổn định phương thức tuyển sinh, thí sinh có sự chuẩn bị sớm, kỹ càng nên đạt điểm cao.
Theo TS Lê Anh Đức, đây là tín hiệu mừng.
"Điều này cho thấy các bạn có ý thức học tập, chăm chỉ. Việc ôn luyện và kết quả đạt được cũng giúp các em rèn thái độ học tập, phản ánh năng lực ngoại ngữ", ông Đức nói.
IELTS lần đầu được dùng xét tuyển đại học ở NEU hồi năm 2017. Đến nay, khoảng 100 trường, gồm cả khối kinh tế, kỹ thuật, y dược và quân đội đưa chứng chỉ này vào các phương thức tuyển sinh. Hầu hết trường xét kết hợp với tiêu chí khác như điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực..., chứ không hoàn toàn dựa vào kết quả IELTS.
Năm 2022, theo dữ liệu của trang chủ IELTS, điểm trung bình của người Việt là 6.2. Từ 7.0 IELTS trở lên, chỉ 14% số người thi đạt được.
Thanh Hằng - Nguyễn Lệ
Đăng thảo luận