Nợ trái phiếu, "đè nặng" thị trường BĐS
Sáng 29/8, tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh phối hợp với VFA (VN financial analyst group) và Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng tổ chức tọa đàm "Nhận diện dòng tiền và cơ hội BĐS kết nối cao tốc Đông – Tây Nam bộ.
Khu đô thị mới Thạnh Mỹ Lợi quận Thủ Đức, giá đất nền khu vực này đã lên đến hơn 500 triệu đồng/m2. Người có nhu cầu bán nhiều nhưng giao dịch ghi nhận tại phòng công chứng không đáng kể.
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết: "Tôi không thể nào lý giải được sự mâu thuẫn liên quan đến các thông tin về thị trường BĐS. Nếu đọc báo sẽ thấy tràn ngập thông tin giá đất tăng, nguồn cung hạn chế, thanh khoản yếu… Vấn đề mâu thuẫn nằm ở chỗ, nguồn cung thiếu thì phải bán được, cớ sao thanh khoản lại yếu, thanh khoản yếu tại sao giá lại tăng…?
Đánh giá một cách tổng quan, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, kinh tế quý 2/2024 đã có dấu hiệu tốt lên, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, tỷ giá VNĐ-USD được kiểm soát … đây là những chỉ số vĩ mô tốt, thuận lợi cho thị trường BĐS phát triển.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển đặt vấn đề: "Kinh tế đang có dấu hiệu tốt lên nhưng vì sao dòng tiền vẫn chưa thể "bung" ra được?".
"Theo tôi, có 2 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nợ trái phiếu doanh nghiệp BĐS, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 làm dòng tiền hoạt động bị thu hẹp. Năm 2024, ước tính có khoảng 213.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó có 80.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS. Vấn đề thứ 2 là nợ xấu ngân hàng, ngân hàng sẽ tăng nợ xấu trong năm 2024 làm hạn chế tín dụng đối với các công ty kinh doanh không tốt" – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Đăng thảo luận