Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện về tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Nhiều lồng bè của ngư dân tại Quảng Ninh bị trôi dạt ra biển, toàn bộ thủy hải sản nuôi trồng bị mất trắng. Trong ảnh, người dân thu dọn các lồng bè tại vịnh Hạ Long - Ảnh: NGỌC AN
Theo công điện, bão số 3 (Yagi) đã gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại hầu hết các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng
Thống kê đến 26-9, mưa lũ đã làm 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; trên 260.000 căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại, sập đổ, lũ cuốn; hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố.
Cùng đó có gần 350.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 8.100 lồng bè, 31.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 4,5 triệu gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá... ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp.
Do vậy, để khắc phục nhanh hậu quả bão số 3 và mưa lũ, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể.
Sau bão số 3 Yagi: Đồng rau tan nát, siêu thị tăng cung ứngĐỌC NGAY
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
Các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, lũ rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để có ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định.
Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài chính để xử lý ứng trước kinh phí. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản, kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi.
Đảm bảo cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đảm bảo cung ứng giống, hỗ trợ tài chính
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, nhất là việc cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào.
Có giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi bất chính, thao túng tăng giá đột biến, bất hợp lý...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lại sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ.
Hỗ trợ vật tư, hóa chất xử lý môi trường, giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, sửa đổi chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...
Bộ Tài chính được giao hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước...; chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi khách hàng bị ảnh hưởng; ứng trước kinh phí cho địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ; tích cực hơn nữa để xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng chương trình với lãi suất ưu đãi phù hợp, xem xét tăng quy mô gói vay tín dụng...
Thủ tướng mong muốn các hộ nông dân, người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp... tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, sáng tạo chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức khôi phục sản xuất kinh doanh.
Góp ý, hiến kế cho các cấp chính quyền có giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả để chung tay khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.
Đăng thảo luận