Trung Quốc lần đầu tiên công khai phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ra Thái Bình Dương vào ngày 25-9.

Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ra Thái Bình Dương  第1张

Xe quân sự Trung Quốc chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đi qua quảng trường Thiên An Môn trong cuộc duyệt binh năm 2019 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phóng tên lửa ICBM mang theo đầu đạn giả vào lúc 8h44 (7h44 theo giờ Việt Nam).

Tên lửa đã "rơi vào vùng biển dự kiến" và vụ phóng này là "một phần trong kế hoạch huấn luyện thường niên" của Trung Quốc, không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào.

Báo cáo từ Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đã "thông báo trước cho các quốc gia liên quan", nhưng không cung cấp chi tiết về quỹ đạo của tên lửa hay vị trí cụ thể tại "vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương" mà nó đã rơi xuống.

Tân Hoa xã cũng nhấn mạnh vụ phóng đã "kiểm tra hiệu quả, hiệu suất của vũ khí và trang thiết bị, cũng như trình độ huấn luyện của binh lính và đạt được mục tiêu đề ra".

Lực lượng tên lửa của PLA, đơn vị phụ trách các tên lửa thông thường và hạt nhân của Trung Quốc, đang được giao nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, nhằm đối phó với tình hình mới.

  • Trung Quốc dùng thiết bị Nhật làm vũ khí hạt nhân?

  • Trung Quốc đáp trả gay gắt báo cáo 'đầu đạn hạt nhân' của Mỹ

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tốc độ phát triển lực lượng hạt nhân của Trung Quốc vượt xa mức răn đe tối thiểu cần thiết.

Dù vậy, Bắc Kinh khẳng định họ tuân thủ chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước".

Quân đội Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Quân ủy Trung ương, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, là cơ quan duy nhất có quyền chỉ huy lực lượng hạt nhân.

Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc phát triển kho vũ khí hạt nhân. Vào tháng 7, Trung Quốc đã chấm dứt các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ do Washington bán vũ khí cho Đài Loan.

Theo ước tính của Lầu Năm Góc vào năm ngoái, Trung Quốc hiện có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động, trong đó khoảng 350 đầu đạn là ICBM và có khả năng sẽ sở hữu hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030.

Lầu Năm Góc cũng cho biết quân đội Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa bí mật cho ICBM trên đất liền.

Để so sánh, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ là 1.770 và Nga là 1.710. Lầu Năm Góc dự báo đến năm 2030, phần lớn vũ khí của Bắc Kinh sẽ được giữ ở trạng thái sẵn sàng cao hơn.

Trong khi đó, Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ, đã liên tục phàn nàn về các hoạt động quân sự gia tăng của Bắc Kinh xung quanh đảo trong năm năm qua.

Cũng trong ngày 25-9, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 23 máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm cả tiêm kích J-16 và máy bay không người lái, thực hiện các nhiệm vụ tầm xa ở phía đông nam và đông đảo Đài Loan.

Cơ quan này cũng thông báo gần đây đã phát hiện các vụ bắn tên lửa và diễn tập quân sự "dày đặc" của Trung Quốc, nhưng không cung cấp chi tiết về địa điểm diễn ra các hoạt động này.