Sau nhiều ngày lênh đênh trên Biển Đỏ vì bị tên lửa Houthi đánh trúng, tàu chở hàng mang tên Rubymar (treo cờ Belize, thuộc sở hữu của Anh) đã chìm vào ngày 2-3, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa môi trường.
Eo biển Bab al-Mandeb ngoài khơi Yemen là nơi xảy ra vụ tấn công tàu Rubymar. Ít nhất 40 tàu đã bị Houthi tấn công trong khu vực kể từ ngày 19-11-2023 Ảnh: fleetmon.com, Al Jazeera/Ambrey Analytics - Nguồn: Marine Traffic, My Ship Tracking, CNBC - Dữ liệu: THANH HIỀN - Đồ họa: T.ĐẠT
Vụ tàu chìm xác nhận bởi chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen và Cơ quan Điều hành thương mại hàng hải Anh (UKMTO).
Vì sao đáng lo ngại?
Thông tin từ Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết con tàu bị chìm vào lúc 2h15 ngày 2-3. Cùng với việc công bố hình ảnh về con tàu đắm, CENTCOM nhấn mạnh rủi ro có thể xảy ra với môi trường biển cũng như hoạt động hàng hải trong khu vực.
"Khoảng 21.000 tấn phân bón amoni phosphat sulfat trên tàu đang gây ra rủi ro cho môi trường ở Biển Đỏ. Tàu chìm cũng gây ra nguy cơ va chạm dưới mặt nước với các con tàu khác đi qua tuyến đường biển tấp nập này", quân đội Mỹ cho biết.
Mặc dù được bao quanh bởi các sa mạc khô cằn, Biển Đỏ lại sở hữu một hệ sinh thái biển đa dạng đến đáng kinh ngạc. Nơi đây là "mái nhà" của hơn 300 loài san hô và hơn 1.000 loài cá, theo Học viện hàn lâm Khoa học California (Mỹ).
Tin tức thế giới 3-3: Mỹ nói Israel chấp nhận ngừng bắn 6 tuần; Ukraine trách cứ phương TâyĐỌC NGAY
Việc lượng phân bón khổng lồ tràn ra Biển Đỏ là mối đe dọa nghiêm trọng với sinh vật biển, Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc Ali Al-Sawalmih của Trạm khoa học hàng hải thuộc Đại học Jordan.
Ông Al-Sawalmih giải thích rằng sự quá tải chất dinh dưỡng trong môi trường nước có thể kích thích tảo sinh sôi quá mức và sử dụng nhiều oxy trong nước, khiến các sinh vật biển khác không thể tồn tại. Hiện tượng này được gọi là phú dưỡng (eutrophication).
Trong khi đó nhà nghiên cứu Xingchen Tony Wang từ khoa Khoa học trái đất và môi trường thuộc Đại học Boston (Mỹ) nhận định tác động tổng thể đến môi trường còn phụ thuộc vào cách dòng hải lưu làm phân tán lượng phân bón này, cũng như cách phân bón tràn ra từ con tàu gặp nạn.
Ông Al-Sawalmih kêu gọi các quốc gia ven Biển Đỏ khẩn cấp thông qua một kế hoạch nhằm thiết lập chương trình giám sát các khu vực bị ô nhiễm, cũng như áp dụng một chiến lược làm sạch.
Trong bài đăng ngày 2-3, Tổ chức Greenpeace cảnh báo việc hàng chục ngàn tấn phân bón tràn ra biển sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, từ đó có thể ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Tổ chức này kêu gọi đội ngũ chuyên gia cần ngay lập tức đến hiện trường tàu đắm để đánh giá tình hình và nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó.
Trước đó, thông tin từ quân đội Mỹ cho hay vụ tấn công của Houthi vào tàu Rubymar hôm 18-2 đã làm hư hại đáng kể con tàu và để lại vệt dầu loang dài khoảng 29km. Vào năm 2023, khu vực này đã tránh được thảm họa môi trường khi Liên Hiệp Quốc thành công loại bỏ hơn 1 triệu thùng dầu từ một tàu chở dầu bị bỏ lại ngoài khơi Yemen.
Tàu Rubymar của Anh trước khi chìm hoàn toàn trên Biển Đỏ - Ảnh: REUTERS
Tranh cãi thổi bùng
Rubymar là con tàu đầu tiên bị phá hủy hoàn toàn sau loạt tấn công của lực lượng Houthi nhắm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ kể từ tháng 11-2023. Houthi tuyên bố hành động của họ nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine trong cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza.
Theo chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen, con tàu Rubymar đã lênh đênh suốt 12 ngày sau vụ tấn công hôm 18-2, mặc dù đã có kế hoạch kéo nó đến một cảng an toàn.
Ngoại trưởng Yemen Ahmed Awad bin Mubarak gọi vụ chìm tàu Rubymar "là thảm họa môi trường mà Yemen và khu vực chưa từng trải qua trước đây".
"Đó là một thảm kịch mới với đất nước và nhân dân của chúng tôi. Mỗi ngày, chính chúng tôi phải trả giá cho sự liều lĩnh của lực lượng Houthi", ông nói.
Nhưng thủ lĩnh Mohammed al-Houthi của lực lượng Houthi lại chĩa mũi dùi vào Thủ tướng Anh Rishi Sunak về vụ chìm tàu Rubymar, theo Hãng tin AP. "Ông đã có cơ hội cứu con tàu M/V Rubymar nếu đảm bảo các xe tải chở hàng viện trợ có thể tiến vào Gaza", ông al-Houthi chỉ trích vào cuối ngày 2-3.
Houthi nêu điều kiện ngừng tấn công Biển ĐỏĐỌC NGAY
Không chỉ ảnh hưởng môi trường, vụ chìm tàu Rubymar cũng cảnh báo căng thẳng về an ninh và về kinh tế trong thời gian tới. Khả năng các tàu qua khu vực sẽ buộc phải đi vòng xa hơn và chi phí bảo hiểm cũng sẽ tăng cao, dẫn đến rủi ro lạm phát toàn cầu và gián đoạn các chuyến hàng cứu trợ đến khu vực.
Trong thông báo trên mạng xã hội X, CENTCOM chỉ trích lực lượng Houthi với sự hậu thuẫn của Iran gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với các hoạt động hàng hải toàn cầu: "Mỹ và các đối tác liên minh duy trì cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải, nỗ lực nâng cao sự an toàn và an ninh của các vùng biển quốc tế cho hoạt động vận tải thương mại", họ khẳng định.
Đến nay vẫn chưa có thông tin về hoạt động nhằm ngăn ngừa và khắc phục hậu quả môi trường từ vụ chìm tàu Rubymar. Tuy nhiên bất kỳ hoạt động làm sạch môi trường nào hiện tại đối mặt rất nhiều khó khăn do tình hình căng thẳng trong khu vực.
Thêm các vụ tấn công ở Biển Đỏ
UKMTO ngày 3-3 thông báo đã nhận được thông tin về một con tàu bị tấn công cách cảng Mokha của Yemen 15 hải lý về phía tây. Thủy thủ đoàn đã thành công đưa tàu về nơi neo đậu và sau đó được các quan chức quân sự hỗ trợ sơ tán.
Bộ Quốc phòng Ý cũng cho biết một tàu hải quân của nước này ở Biển Đỏ đã bắn hạ một máy bay không người lái đang hướng về phía tàu Ý.
Trong khi đó cơ quan giao thông vận tải của Houthi báo cáo cáp thông tin dưới Biển Đỏ đã bị "trục trặc" do hành động của tàu hải quân Mỹ và Anh.
Đăng thảo luận