Ra trường với tấm bằng cử nhân loại trung bình, tiếng Anh và vi tính văn phòng gần như không biết gì, tôi vẫn xin được việc và làm tốt.
Đọc bài viết "Sinh viên ra trường không kinh nghiệm khó có cửa vào công ty tôi", tôi có quan điểm hơi khác với tác giả Hachi. Tôi cho rằng, ai cũng có điểm khởi đầu. Các sinh viên khi mới ra trường, kinh nghiệm và kỹ năng chắc chắn sẽ có hạn. Thế nên, nhà tuyển dụng phải có khả năng nhìn người để tuyển đúng những ứng viên phù hợp cho vị trí mà mình cần.
Tôi thuộc thế hệ 7X, dù không làm tuyển dụng, nhưng với 26 năm làm việc qua nhiều công ty, đi phỏng vấn rất nhiều doanh nghiệp, thú thật là tôi gặp rất ít nhà tuyển dụng trong nước có khả năng nhìn người.
Tôi đã thấy rất nhiều CV đẹp, liệt kê hàng tá kinh nghiệm, rồi sau đó đậu phỏng vấn (vì họ là đồng nghiệp với tôi). Nhưng sau khi vào làm, tôi thấy khả năng làm việc và giải quyết vấn đề của họ rất tệ.
Trong khi đó, tôi ra trường chỉ với tấm bằng cử nhân loại Trung bình, tiếng Anh và vi tính văn phòng gần như không biết gì. Sau khi trượt vài công ty sau khi ra trường, tôi quyết định làm thu ngân tạm thời và chờ đợi cơ hội. Hơn một năm sau, tôi mới tìm được việc đúng chuyên ngành mà mình được đào tạo. Vừa học vừa làm là cách mà tôi chọn vì kiến thức trong trường hầu như đã quên gần hết.
Thế nhưng, chỉ sau 5 năm ra trường, tôi đã tích lũy được số kinh nghiệm thực tế rất lớn nhờ vào việc nhận thêm công việc ngoài giờ cho vài công ty khác. Từ chỗ tự làm, tôi bắt đầu tuyển người làm cho mình. Thay vì đặt ra yêu cầu cao siêu, tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất, đó là ai "biết sử dụng máy tính" sẽ được gọi phỏng vấn.
>> Tôi xin được việc dù kinh nghiệm bằng 0
Các em trẻ làm việc cho tôi (làm online), bản thân tôi cũng không biết họ có bằng cấp chuyên môn gì. Điều tôi quan tâm chỉ là các bạn đều thành thạo những việc mà tôi giao (sau khi tôi đích thân đào tạo vài ngày, bắt ghi chép cụ thể theo đầu việc).
Có lần, một bạn trẻ gọi tôi hỏi việc này nọ, tôi nói: "Chị cho em hai tiếng để tự tìm hiểu trên mạng, rồi nếu vẫn chưa rõ thì gọi lại cho chị". Sau đó tôi không thấy em gọi nữa. Từ bữa ấy, tôi thấy em luôn biết chủ động tự học, tự tìm hiểu công việc và cách làm trước khi hỏi trực tiếp tôi.
Lần khác, có một em nhân viên cũng gọi cho tôi hỏi về công việc. Tôi nói em "lấy quyển sổ đã ghi chép ra và mở tới chỗ đó (theo chủ đề tôi đào tạo) rồi đọc lại cho chị, chút chị gọi lại". Đến khi tôi gọi lại, em đã hoàn toàn hiểu vấn đề và giải quyết công việc một cách trơn tru.
Nói vậy để thấy, kinh nghiệm không tự nhiên mà có. Nếu các nhà tuyển dụng không tạo điều kiện cho sinh viên trẻ được tiếp cận công việc và trực tiếp làm việc thì các em lấy đâu ra kinh nghiệm cho vào CV? Người sử dụng nhân sự thông minh sẽ biết nhìn ra những tố chất trong mỗi ứng viên và phát huy hết khả năng của người đó chứ không chỉ đánh giá trên nhưng gạch đầu dòng trong bản lý lịch".
- 'Ra trường không có kinh nghiệm là lỗi của sinh viên'
- Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường không hề vô lý
- Kỹ sư IT mới ra trường phải có kinh nghiệm - 'đòi hỏi tuyển dụng vô lý'
- Tôi xin được việc giáo viên nhờ kinh nghiệm đi bán hàng
- Xin việc 'trẻ đòi kinh nghiệm, già chê hết thời'
- 'Đòi hỏi kinh nghiệm vô lý khi xin việc'
Đăng thảo luận