Tự chủ đại học không phải là Nhà nước không đầu tư, mà là đầu tư theo kết quả đầu ra mà trường cam kết, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói điều này trong Lễ khai giảng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sáng 12/10.

Theo ông, các trường đại học nói chung, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện tự chủ đại học thực chất hơn theo tiêu chí của các trường ở những nước phát triển. Điều này giúp giáo dục đại học ở Việt Nam hội nhập toàn diện, đồng thời vẫn giữ được bản sắc.

Vì vậy, ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ của mình. Ông khẳng định tự chủ đại học không phải là Nhà nước không đầu tư, mà là đầu tư theo kết quả đầu ra mà trường cam kết.

"Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành, nghề khó xã hội hóa, ít hấp dẫn với người học, nhưng đất nước thực sự rất cần và là thế mạnh của chúng ta như nông, lâm, ngư nghiệp", ông nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học công nghệ là then chốt với sự hưng thịnh của đất nước. Do đó, trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tự chủ đại học không phải là Nhà nước đầu tư  第1张

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ khai giảng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sáng 12/10. Ảnh: Thanh Hằng

Riêng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người đứng đầu Đảng và Nhà nước nói đây là cơ sở giáo dục trọng điểm của đất nước. Gần 70 năm qua, học viện đã đào tạo 120.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế, khoảng 10.000 thạc sĩ và 700 tiến sĩ.

"Tôi rất vui mừng khi biết trên 97% sinh viên của trường có việc sau một năm tốt nghiệp", ông bày tỏ. "Điều này cho thấy chất lượng đào tạo của học viện đã đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động".

Theo ông, nền nông nghiệp của Việt Nam có bước phát triển lớn, được nhiều quốc gia đánh giá cao. Từ một quốc gia nghèo và lạc hậu, sau 40 năm, Việt Nam đủ lương thực cho khoảng 105 triệu dân, mỗi năm xuất khẩu hàng tấn gạo. Cùng với đó, Việt Nam còn hỗ trợ nhiều quốc gia trong canh tác, phát triển nông nghiệp.

"Tôi tin nền nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn chủ động, tạo ra đột phá về chất lượng, có sức cạnh tranh toàn cầu", ông nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trường xây dựng đề án phát triển thành đại học nghiên cứu đa ngành, lĩnh vực và phân hiệu, theo mô hình của các đại học tiên tiến. Ông cho rằng không chỉ thầy cô, mà sinh viên cũng có thể trở thành nhà khoa học, những người lãnh đạo sản xuất, thậm chí tỷ phú trong tương lai.

Thanh Hằng