Võ sĩ Uzbekistan từ chối bắt tay đối thủ nghi chuyển giới
(Dân trí) - Nhà vô địch thế giới người Đài Loan, Lin Yu Ting (một trong hai võ sĩ quyền anh là tâm điểm của cuộc tranh cãi về giới tính) đã đánh bại nữ võ sĩ người Uzbekistan ở vòng 1/8 Olympic 2024.
Lin Yu Ting cùng với võ sĩ người Algeria, Imane Khelif (người đã giành chiến thắng trong trận đấu hạng cân bán trung hôm 1/8 trước võ sĩ người Italy, Angela Carini chỉ sau 46 giây) tiếp tục là tâm điểm chú ý của báo giới tại Olympic Paris 2024.
Nữ võ sĩ người Đài Loan (Trung Quốc), Lin Yu Ting đang là tâm điểm của tranh cãi về giới tính khi thi đấu ở môn quyền anh của nữ tại Olympic Paris 2024 (Ảnh: Getty).
Chiến thắng nhanh chóng của Khelif cách đây hai ngày khiến Thủ tướng Italy, Giorgia Meloni tức giận khi ông cho rằng đây không phải là cuộc chiến ngang sức vì võ sĩ người Algeria có lợi thế về thể chất.
Điều đó khiến hàng trăm phương tiện truyền thông đã tập trung để theo dõi trận đấu quyền anh nữ hạng 66kg tại Olympic 2024 giữa Lin Yu Ting và nữ võ sĩ người Uzbekistan, Sidora Turdibekova diễn ra vào tối qua (2/8).
Nhưng khác với Angela Carini chấp nhận bỏ cuộc chưa đầy 1 phút, nữ võ sĩ người Uzbekistan vẫn thi đấu kiên cường ở hiệp đấu đầu tiên dù một lần nữa tay đấm của Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy sức mạnh khác biệt về thể chất và giám khảo đã chấm điểm nghiêng về nữ võ sĩ bị nghi là người chuyển giới.
Lin Yu Ting (áo đỏ) thể hiện sức mạnh vượt trội so với võ sĩ người Uzbekistan (áo xanh) ở vòng 1/8 hạng lông (Ảnh: Getty).
Ở hiệp đấu thứ 2, Lin Yu Ting thậm chí có một cú đấm rất mạnh trúng mặt Sidora Turdibekova khiến võ sĩ người Uzbekistan cảm thấy hoảng loạn.
Với tiếng hô vang "Uzbekistan" vang vọng khắp khán đài, nữ võ sĩ người Uzbekistan đã cố gắng trở lại ở hiệp thứ ba nhưng Lin Yu Ting vẫn là người chiếm ưu thế và giành chiến thắng áp đảo tại Thế vận hội.
Turdibekova đã không bắt tay đối thủ sau kết quả, nữ võ sĩ người Uzbekistan tỏ ra không cảm thấy "tâm phục khẩu phục" trước đối thủ bị nghi ngờ về giới tính.
Đáng chú ý, cả hai võ sĩ đều từ chối trả lời báo chí sau trận đấu khiến cánh phóng viên cảm thấy thất vọng.
Trong khi đó, Thủ tướng Đài Loan (Trung Quốc) Cho Jung Tai ca ngợi Lin Yu Ting là "nữ võ sĩ quyền anh hàng đầu thế giới" trong bài viết trên mạng xã hội.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ ai nghi ngờ trình độ và quyết tâm chiến đấu giành vinh quang của cô ấy tại đấu trường quyền anh nữ Olympic.
Mỗi VĐV tham gia Thế vận hội đều là niềm tự hào của Đài Loan. Xin hãy tiếp tục cổ vũ cho Lin Yu Ting và tất cả các anh hùng Olympic của Đài Loan!", ông Cho Jung Tai bày tỏ.
Tiếp theo, Lin Yu Ting sẽ đối đầu với tay đấm Svetlana Kamenova Staneva của Bulgaria ở vòng tứ kết.
Lin Yu Ting và Imane Khelif là hai võ sĩ từng bị loại tại giải vô địch thế giới năm 2023 sau khi không đáp ứng được quy định về điều kiện tham gia của Hiệp hội Quyền anh Quốc tế (IBA), trong đó cấm các VĐV có nhiễm sắc thể XY nam tham gia các nội dung dành cho nữ.
Tuy nhiên nội dung quyền anh tại Olympic Paris được Ủy ban Olympic quốc tế điều hành (IOC) sau khi hủy bỏ sự công nhận quốc tế của IBA vào năm 2023 do các vấn đề về quản trị và tài chính, và IOC đã tuyên bố rằng phụ nữ có mọi quyền để thi đấu tại Paris.
IOC không đưa ra các quy tắc hoặc quy định cụ thể mà thay vào đó bao gồm 10 nguyên tắc chỉ đạo đối với VĐV chuyển giới.
IOC yêu cầu mỗi liên đoàn quốc tế phải có trách nhiệm thiết lập các quy tắc đủ điều kiện cho môn thể thao của mình, bao gồm các tiêu chí đủ điều kiện xác định trình độ VĐV tham gia Thế vận hội.
Hướng dẫn của IOC yêu cầu vận động viên nam phải chuyển giới trước 12 tuổi mới đủ điều kiện tham gia nhóm dành cho nữ, nhằm ngăn chặn mọi lợi thế sinh học tiềm ẩn từ tuổi dậy thì của nam giới.
Các hướng dẫn từ IOC hiện đã được Liên đoàn Điền kinh Thế giới và Liên đoàn Bơi lội Quốc tế áp dụng.
Trong khi đó, Liên đoàn đua xe đạp thế giới tuân theo các hướng dẫn của IOC đối với hạng mục dành cho nữ nhưng ở hạng mục dành cho nam thì thông thoáng hơn khi để các VĐV chuyển giới thoải mái thi đấu.
Liên đoàn đua thuyền quốc tế cho phép những người chuyển giới trước tuổi dậy thì đủ điều kiện thi đấu nhưng kèm theo kèm theo tiêu chí là nồng độ testosterone (loại nội tiết tố đặc biệt quan trọng ở nam giới) phải dưới 2,5 nmol/L trong thời gian ít nhất 24 tháng.
Các liên đoàn ba môn phối hợp, quần vợt và bắn cung cũng yêu cầu mức testosterone phải thấp hơn một giới hạn nhất định mới cho phép các VĐV thi đấu. Các môn thể thao khác cho phép các VĐV chuyển giới được thi đấu theo từng trường hợp cụ thể.
Đăng thảo luận